Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Bãi đá cổ SAPA mới phát hiện

VN: Phát hiện bãi đá cổ chưa từng thấy giữa rừng thẳm

(VTC News) - Mới đây, ông Trần Ngọc Lâm, người sống hơn 10 năm nay trên đỉnh Fansipan, xuống núi thông báo với tôi rằng, ông đã phát hiện một bãi đá có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Ông Lâm đề nghị tôi lập tức vào trong rừng để tìm hiểu, viết bài, nhằm kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu, bảo tồn trước khi nó biến mất.

Một hòn đá cổ có hình khắc ở thung lũng Mường Hoa.

Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị bệnh ung thư phổi, bị bệnh viện trả về chờ chết. Tuy nhiên, nhờ có kỳ duyên với các thiền sư Tây Tạng, ông đã học được bài thuốc bí truyền, nên vẫn sống khỏe đến ngày hôm nay.

Để có thuốc chữa bệnh, ông phải định cư trong một cái hang nhỏ trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan. Hàng ngày, ông ngồi thiền trong giá lạnh để cái lạnh âm độ hạn chế sự phát triển của khối u, rồi lang thang đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn tìm những cây thuốc quý.
Ông Lâm sống hơn 10 năm nay trong một cái hang trên độ cao 2.900m trên núi Fansipan.
Hàng ngày, ông lang thang trong rừng Hoàng Liên Sơn để tìm cây thuốc quý.

Hơn 10 năm trời lang thang trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã phát hiện ra nhiều điều thú vị trong khu rừng ít dấu chân người này.

Trong những lần xuyên rừng đi tìm các loài kỳ hoa dị thảo cùng ông Lâm, đôi lúc, ông cứ úp mở nói với tôi rằng, các nhà khoa học, từ thời Pháp đến bây giờ, vẫn chưa phát hiện hết được bãi đá cổ Sapa. Đâu đó trong khu vườn rộng lớn này, vẫn có những hòn đá có hình khắc cổ…

Vài lần tôi gặng hỏi, nhưng ông Lâm chỉ im lặng. Cho đến gần đây, ông bất ngờ gọi điện bảo tôi lên gấp để đi xem bãi đá cổ có hình khắc trong rừng.

Theo ông Lâm, ông phát hiện bãi đá cổ này từ 3 năm trước, trong một chuyến đi vòng sang bên kia đỉnh Fansipan, sang đất Lai Châu, rồi vòng về Trạm Tôn.

Khi xuyên qua cách rừng vân sam, với những thân cây ngàn tuổi, gốc mấy người ôm, cao 40-50m để tìm nấm phục linh, một loại nấm ngàn năm, giá trị hơn vàng, ông đã phát hiện ra một bãi đá cổ, mà trên mặt những khối đá đều có hình khắc.

Những khối đá này nằm dưới tán rừng pơ-mu ngút ngát tầm mắt. Những khối đá cổ đen xì đen xịt, ẩm ướt có những hình khắc loằng ngoằng, sâu hoắm, đã gây sự chú ý cho “người rừng” Trần Ngọc Lâm.

Sự bảo tồn bãi đá cổ Sapa không khoa học...

Đã khiến hình khắc trên bãi đá cổ Sapa sắp biến mất.

Ông Lâm bảo, ông đã từng vài lần đi theo các nhà khoa học vào bãi đá cổ Sapa ở thung lũng Mường Hoa, thuộc các xã Hầu Thào, Tả Van. Ông cũng đã tận mắt cả chục hòn đá có hình khắc ở bãi đá này, nên hiểu đôi chút về những viên đá cổ và những hình khắc cổ xưa.

Do đó, ngay khi tận mắt những khối đá đen xì giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm biết ngay đây là những hình khắc cổ. Với kinh nghiệm đi rừng, sống với đồng bào dân tộc nhiều năm, ông cũng chắc chắn rằng, những hình khắc này không phải do con người thời hiện đại tạo nên.

Đại ngàn Hoàng Liên Sơn rộng mênh mông, ngút tầm mắt. Những dãy núi đá vôi trập trùng, những thung lũng hiểm trở chỉ có vết chân thú, không có dấu chân người. Những hòn đá cổ đã nằm im lìm giữa sườn núi, trong đại ngàn hàng triệu năm nay.

Ông Lâm cũng chính là người đã dẫn tôi đi thăm bãi đá cổ Sapa từ mấy năm trước và ông lên án mạnh mẽ cái cách bảo tồn bảo tàng thiếu trách nhiệm của ta. Những hòn đá tuổi đời trăm triệu, những hình khắc đã có từ ngàn năm, vậy mà chỉ vài năm đã tan nát bởi du lịch, bởi sự thiếu ý thức của con người.

Vì lẽ đó, khi phát hiện bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã yên lặng. Ông không kể chuyện này cho bất kỳ ai, kể cả lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên, kể cả các đồng chí kiểm lâm, những người hàng ngày xuyên rừng, ngủ hang cùng ông nhiều năm trời.
Tác giả và ông Lâm trong hành trình đi tìm bãi đá có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Ông Lâm sợ rằng, khi những hòn đá cổ có hình khắc này được công bố, các nhà khoa học tìm vào nghiên cứu, rồi các dự án bảo tồn, rồi phát triển du lịch… Và rồi, những hình khắc sẽ biến mất. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời. Và như vậy, ông sẽ là người có lỗi với tổ tiên.

Ngay cả chuyện ông phát hiện, rồi hì hục mở ra con đường lên Fasipan ngắn nhất, nhanh nhất, dễ đi nhất, tưởng là chiến công được người đời ghi tạc, nhưng thực tế, người ta đã bỏ quên ông. Nhưng điều ông thấy đau nhất, đó là, khi con đường mở ra, du lịch phát triển, Nhà nước thu lợi chẳng bõ bèn, nhưng rừng bị tàn phá từng ngày, những con thú cuối cùng đang bị tiêu diệt, những cây thuốc quý chảy tuồn tuột ra nước ngoài…

Nhưng bí mật về bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn ấy ông không giữ được mãi. Bởi vì, mới đây, khi xuyên qua đại ngàn vân sam, ông đã giật mình khi thấy một con đường mòn mới mở. Trên con đường mòn ấy, lâm tặc cùng với trâu mộng rồng rắn kéo gỗ như đàn kiến nhẩn nha suốt ngày đêm.

Những bước chân bầm dập của đàn trâu, những cú va chạm của những súc gỗ, đến núi cũng mòn, đá cũng nát, nói chi đến những hình khắc mềm mại, dễ vỡ kia!

Ông Lâm đã chết lặng khi thấy con đường kéo gỗ ấy đè nghiến lên những khối đá cổ có hình khắc kỳ lạ. Ông lại phải đau lòng mà rằng, nếu không công bố để các nhà khoa học nghiên cứu, thì những hình khắc trên bãi đá sẽ vĩnh viễn biến mất dưới bước chân đàn trâu mộng.

Vậy là, tôi cùng ông Lâm, với cơm nắm, bánh mỳ, thịt hộp, túi ngủ… lên đường vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn.



Phạm Ngọc Dương

Những hòn đá cổ với những hình khắc lạ lùng nằm im lìm trong khe núi, dưới những tán pơ-mu cổ thụ, rêu phong…

Tác giả trên bãi đá cổ có hình khắc giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Sau khi trao đổi với ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên và được Lãnh đạo Vườn Quốc gia cấp phép vào rừng, chúng tôi bắt đầu lên đường.

Từ 5h sáng, khi mây mù còn bao phủ khắp nơi, mây đặc quánh tưởng như có thể vồ lấy mà xé ra được, tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm đã rời Trạm Tôn, đỉnh núi mà người Pháp từng dựng trạm đồn trú từ hơn trăm năm trước. Giữa mùa đông, trên độ cao 2.022m, cái lạnh âm độ như xẻo da cắt thịt.

Vạch bụi cỏ ven đường Quốc lộ đi Lai Châu, chúng tôi bắt đầu thả dốc, rồi lại lên dốc. Có những dốc đá phải móc tay vào kẽ đá, bám vào dây leo mà đi.

Theo ông Lâm, 2-3 năm trước, nơi đây toàn rừng già rậm rạp, không có dấu chân người, cũng không có con đường mòn nào cả. Con đường nhỏ xíu, chỉ vừa bước chân người này là do đám lâm tặc vác gỗ, kéo gỗ qua lại nhiều mà thành.
Cánh rừng bạt ngàn pơ-mu chỉ còn lại những cái gốc.

Ông Lâm xót xa chỉ cho tôi xem những cánh rừng bị triệt hạ dọc các thung lũng, khe suối. Đồng bào Mông đã phá nát rừng già để trồng thảo quả. Theo ông Lâm, thảo quả là thứ sát sinh rừng mạnh nhất. Rễ loài cây này tiết ra chất nhựa, khiến những thân cây cổ thụ ngàn năm cũng phải chết khô.

Cuốc bộ chừng 3 giờ đồng hồ thì đến một sườn núi đá, mà theo ông Lâm, vốn là một cánh rừng pơ-mu khổng lồ. Pơ-mu là một loài cây kỳ lạ, chúng mọc từ kẽ đá, rễ trùm trên mỏm đá, luồn vào khe núi mà lên. Chúng sống hiên ngang trên đá cả ngàn năm tuổi.

Ông Lâm kể rằng, chỉ 2-3 năm trước, cánh rừng này còn bạt ngàn pơ-mu với những thân cây mấy người ôm không xuể. Nhưng giờ đây, thứ còn lại chỉ là những gốc cây trơ trụi, thậm chí cả gốc cũng bị đồng bào đốt lấy than bán về xuôi.
"Người rừng" Trần Ngọc Lâm là người đầu tiên phát hiện ra bãi đá này.

Chúng tôi cứ cặm cụi cuốc bộ, xuyên qua những rặng núi với những hệ sinh thái khác nhau, những vạt rừng sơn tra, những sườn núi rực đỏ hoa anh đào, gốc to người ôm không xuể. Khi mặt trời ngấp nghé đỉnh núi thì một khe núi hiện ra.

Đứng dưới thung lũng, ông Lâm chỉ tay lên khe núi ấy và bảo: “Bãi đá có hình khắc ở trên đó đấy!”. Giường như bao nhiêu mệt nhọc đều tiêu tan, tôi chạy một mạch lên bãi đá.

Đúng như lời ông Lâm, con đường mòn kéo gỗ chạy cắt ngang bãi đá cổ. Những vết chân trâu, những vết mài của hàng vạn súc gỗ lớn vẫn còn mới nguyên. Một dải đá cổ có hình khắc đã bị mài mòn.
Bãi đá cổ có hình khắc là một khối đá khổng lồ gắn liền với núi.

Tôi nhẹ nhàng bóc lớp rêu bám trên mặt những tảng đá, ông Lâm dùng con dao đi rừng phát những sợi dây leo trùm kín. Một bãi đá cổ với những hình khắc vẫn còn khá nguyên vẹn hiện ra trước mắt.

Theo ông Lâm, người có hơn 10 năm sống trong hang đá, đã đi hết đại ngàn Hoàng Liên, rất hiểu về rừng rú, thì toàn bộ bãi đá là một khối núi liền, thuộc loại đá cổ được thành tạo từ hàng trăm triệu năm trước. Trên khối đá liền giữa khe núi ấy, có những mỏm đá nhô lên như những hòn đá riêng biệt.

Trên tất cả những hòn đá nhô lên ấy đều có những hình khắc ngang dọc, trải từ mỏm tảng đá xuống đến chân. Thậm chí, trong hốc của một số tảng đá cũng có những hình khắc.
Hình khắc có ở khắp mọi nơi.

Sau khi chụp ảnh, quan sát tỉ mẩn những hình khắc, tôi đặt câu hỏi với ông Trần Ngọc Lâm: “Liệu có phải là hình khắc của những người đi rừng thời gian gần đây?”. Ông Lâm khẳng định không thể có chuyện người dân bỏ cả ngày cuốc bộ vào đây rồi rỗi rãi ngồi khắc lên những tảng đá này.

Ông Trần Ngọc Lâm bỏ thành phố Lào Cai, lên đỉnh Fasipan sống từ năm 1998. Ông đã có nhiều năm trời sống cùng đồng bào Mông, đi rừng cùng người Mông và ông hiểu rất kỹ người Mông.

Đồng bào Mông sống phụ thuộc vào rừng nên mỗi khi đi rừng họ luôn đeo con dao bên mình. Những con dao của đồng bào Mông đều do họ tự rèn lấy, rất công phu và tốt. Họ mang theo dao vào rừng vừa là để bảo vệ mình khỏi thú dữ, vừa để phát rừng làm đường đi.
Người đàn ông Mông này khẳng định không có ai dùng dao chém vào đá cả.

Đồng bào Mông coi con dao như tính mạng, luôn đeo bên mình và luôn giữ gìn rất cẩn thận. Họ không bao giờ dùng dao đào đất, chứ đừng nói đến chuyện chém vào đá. Do vậy, ông Lâm bác bỏ giả thuyết những hình khắc này do người Mông trong lúc đi rừng, rỗi rãi, đã dùng dao khắc thành những hình thù trên những tảng đá này.

Cũng theo ông Lâm, những tảng đá này đều là đá gốc, rất cứng, do đó, để dùng dao chém vào đá thành hình khắc, thì để có một vết khắc, sẽ phải tốn rất nhiều dao. Do đó, chẳng có lý do gì để người Mông đi bộ cả ngày vào rừng, rồi chém vào những tảng đá này cho hỏng dao.

Ngoài ra, theo ông Lâm, cả dải rừng quanh khu vực có hình khắc cổ này từ nhiều năm nay không hề có dấu chân người vì rất xa xôi, hiểm trở. Suốt bao năm đi hái thuốc qua khu rừng này, ông chỉ gặp gấu, chồn, cầy, cáo… chứ tuyệt nhiên không gặp người.

Chỉ từ 2-3 năm gần đây, khi người Mông phát hiện trong khu rừng trên độ cao 2.200m này có nhiều pơ-mu, họ liền vào đốn hạ, vận chuyển gỗ ra, thì khu rừng mới thực sự có dấu chân người.

Khi chúng tôi đang loay hoay với những giả thiết khác nhau, bỗng có một người đàn ông Mông đi qua. Chúng tôi chỉ vào những hòn đá có hình khắc hỏi: “Người Mông có dùng dao khắc vào đá như thế này không?”. Người đàn ông này liền bảo: “Ồ, không đâu, có cho tiền ta cũng không làm vậy đâu, hỏng dao của ta mất”.

Từ những phân tích trên đây, có thể tin rằng, những hình khắc trên bãi đá này là hình khắc cổ. Còn niên đại bao nhiêu năm, thì phải có sự nghiên cứu của các nhà khoa học cùng các phương pháp, máy móc hiện đại.

Qua quan sát tỉ mẩn từng u mấu những khối đá trên bãi đá có diện tích chừng 200m2, tôi nhận thấy hình khắc có ở khắp nơi. Cạo những lớp rong rêu, cắt những bụi cỏ mọc trùm lên các kẽ đá, đều phát hiện ra những hình khắc.

Ngay cả dưới nền mặt đá bằng phẳng, không thuộc một tảng nhô lên riêng biệt nào cũng có những vết khắc chi chít, đủ các loại hình thù, với vết khắc nông sâu, dài ngắn khác nhau.

Các vết khắc thể hiện khá tự do, không theo trật tự nào.

Các vết khắc tập trung ở đủ các mặt Đông, Tây, Nam, Bắc và cả mặt chính hướng lên trời.

Phần lớn hình khắc thể hiện các đường thẳng song song, các đường cong song song. Nhiều đường tiếp giáp nhau, hoặc được nối với nhau bằng một gạch nối thẳng hoặc cong.

Một số hình vuông, hình tam giác, hoặc các hình chữ nhật lồng vào nhau, hình nhỏ bên trong hình lớn. Có những hình tròn hay bầu dục có vết lõm ở giữa hoặc gạch ngang chia đôi.

Điều khó hiểu là những hình khắc này được khắc lung tung, không tuân theo trật tự nào, phân bố rải rác trên một diện tích rộng của một khối đá liền khổng lồ.

Các nét khắc của mỗi hình khắc rộng, hẹp, nông, sâu khác nhau. Chỗ rộng nhất tới 2cm, chỗ hẹp nhất chỉ 0,1cm, chỗ sâu nhât tới 1cm, chỗ nông chỉ 0,1cm.

Ông Trần Ngọc Lâm dùng chiếc dao sắc bén của mình chém một nhát thật lực lên mặt một tảng đá gần đó. Tiếng dao va chạm với đá nghe chát chúa, tóe lửa. Lưỡi chiếc dao rèn thủ công bằng thép sứt mẻ lung tung. Tôi nhận thấy, vết dao chém vào đá chỉ tạo ra một vết vỡ rất nhỏ và nham nhở. Trong khi đó, vết khắc trên những tảng đá gốc siêu cứng này lại rất “ngọt”, sâu và mềm mại.
Những hình khắc song song này có phải biểu tượng của ruộng bậc thang?

Theo ông Lâm, để khắc được những hình thù này trên mặt những tảng đá, người khắc đá phải có dụng cụ riêng biệt và phải rất kỳ công, chứ không thể có chuyện ai đó rỗi rãi ngồi vạch vài đường cho vui.

Chắc chắn, những vết khắc này được khắc bởi một dụng cụ cứng, có đầu nhọn, sắc, kiểu lưỡi đục, chứ không phải lưỡi dao hoặc lưỡi rìu.

Qua quan sát của tôi, nhận thấy, những đường khắc có sự tận dụng các đường nét tự nhiên của hòn đá như các lỗ lõm, các vết nứt tự nhiên để thể hiện chủ đề.

Về nội dung hình khắc rất khó xác định chủ nhân của những vết khắc này muốn thể hiện điều gì. Nhưng xét về tổng thể, những vết khắc này tương đối đơn giản về ý tưởng.

Phần lớn các hình khắc chỉ là một hệ thống vòng cung, hoặc cắt ngang cắt dọc. Đứng từ trên nhìn xuống, trông những mảng hình khắc này giống bản đồ những bản làng, đồng ruộng, rừng núi…

Một số hình khắc mang tính chất hình học, hoặc những đường nét đơn giản tương đối giống với những hình khắc trên bãi đá cổ Sapa mà tôi đã được xem. Một số nhà khoa học suy đoán những hình khắc kiểu này trên bãi đá Sapa có thể là một loại chữ cổ của người xưa, hoặc là ký hiệu riêng của thầy mo khắc khi tiến hành nghi lễ tại địa điểm này.
Rất nhiều hình khắc giống như những ký tự cổ.

Tất nhiên, để có được vết khắc sắc và ngọt thì phương tiện thường phải là kim loại, do đó, niên đại của những hình khắc này có thể rơi vào thời đại kim khí, chứ không phải thời tiền sử.

Tôi trèo lên sườn ngọn núi, phóng tầm mắt nhìn ra tứ phương, với ham muốn phát hiện ra những bãi đá có hình khắc mới, nhưng chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Chợt nhìn xuống bãi đã giữa khe núi, trong tâm trí tôi hiện ra cảnh tổ tiên mình đang kiên trì ngồi đục đẽo đá, như muốn gửi lời nhắn nhủ đến con cháu tương lai.

Sau khi chụp tỉ mẩn từng hình khắc dù nhỏ nhất, chúng tôi rời bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Trên đường trở ra, qua cánh rừng sơn tra bát ngát, ông Trần Ngọc Lâm dẫn tôi rẽ vào một chân núi. Nơi đó là một bãi bằng rộng dễ gần đến km2. Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên, khi cạo những đám rêu, vạch những bụi cỏ, đều thấy xuất hiện những vết khắc trên các tảng đá. Tuy nhiên, những hình khắc này không đẹp và thiếu tính hình học như trên bãi đá chỗ khe núi.
Con đường kéo gỗ của lâm tặc...
...đi xuyên qua bãi đá, sẽ đe dọa sự tồn tại của những hình khắc.

Đem hàng trăm tấm hình chụp chi tiết hình khắc trên bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn đến Viện Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học, rất ngạc nhiên. Ông Chung cho rằng, đây sẽ là phát hiện rất thú vị.

Sau khi quan sát các bức hình, PGS. Trình Năng Chung khẳng định: “Những vết khắc này chắc chắn do con người tạo ra, chứ không phải do thiên tạo”.

Với kinh nghiệm của nhà khoa học đã từng nhiều năm nghiên cứu hình khác ở các bãi đá cổ, ông Chung biết rằng con người đã dùng phương pháp đục và khắc để tạo ra những vết ngang dọc trên mặt những hòn đá. Theo quan sát độ sâu, hình dạng vết khắc có thể biết rằng người xưa đã dùng một vật kim loại sắc hình chữ V để cạo liên tục vào đá, tạo ra những vết khắc sâu.

Phần lớn các hình khắc mang tính chất hình học hóa, chứ không phải biểu tượng hóa. Những vạch song song gặp nhiều ở bãi đá cổ Sapa và có thể là hình ảnh của ruộng bậc thang. Còn những hình song song, có kẻ ngang, có thể là hàng rào. Hình hai ô vuông lồng vào nhau cũng gặp ở bãi đá Nấm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang).

Những đường cong, xoáy là hình hồi văn, cũng gặp ở bãi đá cổ Sapa, tuy nhiên, một số hình quả trám thì chưa gặp ở bãi đá nào.

TS. Trình Năng Chung cho biết, để xác định những hình khắc trên bãi đá này có niên đại bao nhiêu năm, thì các nhà khoa học phải đến tận nơi và dùng nhiều phương pháp khoa học mới xác định được. Tuy nhiên, theo phán đoán của ông, có thể hình khắc trên bãi đá này xuất hiện cùng thời với bãi đá cổ Sapa.

Bãi đá cổ Sapa, Nấm Dẩn, Liệp Tè (bãi đá cổ Liệp Tè ở Thuận Châu, Sơn La - PV) đều đã được phát hiện vài chục đến gần trăm năm nay, song những hình khắc vẫn còn là bí ẩn chưa giải mã được. Do đó, việc giải mã những hình khắc trong bãi đá giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn sẽ là thách thức mới với các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phạm Ngọc Dương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét