Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Thơ say

Mình biết anh Thái Bá Tân. Đã học tiếng Anh của anh, đã đến nhà anh chơi, đã đọc thơ của anh sáng tác và thơ dịch (thực ra cũng là sáng tác thôi !!!). Anh dịch thơ Haicu cực hay...
Giờ mới thấy anh đưa thơ say lên mạng






7
Ai cũng biết là Khayam già yếu,
Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu,
Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam
Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu.

103
Cứ yêu đi, cứ say đi, bởi lẽ
Không dại gì làm vua quan bệ vệ,
Vì thượng đế trên cao, tôi thừa biết, đếch cần
Cả râu tôi, cả ria anh đẹp thế.

105
Thật tội nghiệp những người than với khóc,
Hay để bụng, cứ bắt mình khó nhọc.
Hãy hát đi khi chưa đứt dây đàn.
Hãy uống đi chừng nào chưa vỡ cốc.

125
Tôi nghe nói thiên đường đầy suối mật,
Có đồng cỏ, có vườn cây đẹp nhất.
Rót rượu đi, tôi chẳng thiết thiên đường,
Tôi chỉ thích cốc này trên trái đất.

129
Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa,
Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa.
Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho,
Còn xác tôi - lấy rượu vang mà rửa

130
Tôi sẽ say cho tới ngày xuống mộ,
Cho mộ tôi cũng bốc mùi rượu đỏ,
Cho anh say đến viếng mộ thăm tôi.
Trở thành say gấp mấy lần trước đó.

131
Ta cần rượu và tình yêu; thượng đế
Cần nhà thờ và sách kinh - Đã thế,
Sao lỗi lại do ta, nếu mọi cái trên đời
Được định đoạt bởi bàn tay thượng đế?

132
Tôi cứ yêu, cứ say và cứ chén.
Tôi điên ư? Ngốc ư? Và đáng thẹn?
Ồ không sao! Cái phải đến, đến đi,
Vì cũng chẳng xấu hơn điều đã đến

141
Sống - tôi biết, chết với tôi - không lạ
Thế giới này tôi đi, nhìn, thấy cả
Và nhận thấy khắp nơi không thể có cái gì
Bằng cái say, bằng cái say vô giá.

146
Muốn thì uống, nhưng trí khôn đừng để mất.
Cái cảm giác đủ và thừa đừng để mất.
Đừng để ai đáng kính phải mếch lòng,
Và bạn tốt, đừng vì say mà để mất.

150
Ê, quan tòa luôn trang nghiêm, xin nói thật:
Anh tuy tỉnh mà xấu hơn thằng say nhất.
Tôi uống rượu nho, nhưng anh uống máu người,
Ai ác hơn - tôi hay anh? Xin hỏi thật!

191
Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
Chứ không phải người thông minh, có học.
Uống rượu là cần, nếu anh biết rằng anh
Uống với ai, bao giờ và mấy cốc!

192
Cốc rượu ngon hơn lời khuyên thượng đế,
Hơn vàng bạc, hơn lâu đài tráng lệ.
Đời mà không có rượu, sống làm gì?
Chỉ còn lại cái đau và buồn tẻ!


238
Anh đừng trách ở đời cái gì rồi cũng mất.
Sống ngày nào cứ vui. Hãy nghe tôi nói thật:
Nếu mọi cái ở đời mà vĩnh cửu, bền lâu
Thì chẳng đến lượt anh được sinh trên trái đất.

240
Thà im tiếng còn hơn nổi danh nhưng nhục nhã.
Cũng đừng trách cuộc đời, đời thế thôi, đừng lạ.
Tôi, Khayyam, thích nổi tiếng thằng say,
Hơn được khen thông minh
nhưng bất lương, xảo trá.

280
Thời chúng ta người thông minh nghèo khổ.
Thằng ngu dốt thì chức quyền, giàu có.
Hay nên chăng uống rượu để thành ngu,
Để có chức, có tiền như chúng nó?

328
Vì trí thức bây giờ không được giá,
Và thằng ngu đang trị vì thiên hạ,
Nên tôi say, tôi uống để thành ngu.
Mong nhờ thế thành giàu và danh giá.


335
Các bí mật cuộc đời không ai biết.
Cũng chẳng ai biết được ngày mình chết.
Hãy uống đi, đời ngắn lắm, uống đi.
Kẻo chết sớm, cốc này không uống hết.

341
Sống mà không biết say, luôn cau có
Thì thật ngốc, hoặc ít ra, thật khổ.
Bản thân tôi được rượu dạy điều này:
"Cứ uống đi, rồi mọi điều sẽ rõ."


Thái Bá Tân dịch

Tác giả: ÔMA KHAYYAM

Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.

Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các
công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 – 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét