Lào cai, Si ma cai bây giờ khác xưa nhiều rồi. Ấn tượng về 1 vùng cao nhộn nhịp, sầm uất tuy vẫn còn nhiều nét buồn. Đồng bào dân tộc vẫn còn nghèo lắm, còn rất khổ. So với phóng sự của 1 trong những nhà báo ưa thích này thì vùng biên cương của tổ quốc đã thay da đổi thịt nhiều.
Đón Ậu Tu Đế trên thượng nguồn sông Chảy...
Phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng
Ông Đỗ Minh Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai (huyện mới tái lập, xa xôi, vất vả nhất của tỉnh Lào Cai) nổi tiếng là một người năng đi rừng leo núi, năng trải lòng với thôn xa bản vắng. Trong một bận lếch thếch đi bộ nhiều tiếng đồng hồ hút mãi lên thượng nguồn sông Chảy giáp biên giới Việt - Trung, ghé vào kiểm tra tình hình ở bản Cốc Dế, xã Bản Mế, ông Lương đã suýt bỏ mạng vì trượt chân từ vách núi dựng trời xuống sông Chảy. Ai đó thở dài, biết bao giờ đường vào tới chỗ này. Cụ già ở Cốc Dế thở hắt ra: Đường vào đến được bản tao, thì có mà sông Chảy chảy ngược dòng. Có mà đá cứ là mọc cả lên đầu chúng tao cho “thằng Lương” xem!
…Cho đến một ngày, ông Lương rủ tôi đi thông xe, đi đặt tên mới Ậu Tu Đế cho con dốc chết người ở thượng nguồn sông Chảy.
Sông Chảy hứa sẽ chảy ngược
"đá mọc trên đầu người" - đường vào Cốc Dế.
Có lần ông cùng đồng chí Sương Bí thư huyện ủy Si Ma Cai (nay là Tổng Biên tập Báo Lào Cai) vào Cốc Dế. Mỗi người cầm một con dao, nai nịt từ đầu đến chân, vừa đi vừa mở đường men theo sông Chảy rậm rịt. Anh em dìu nhau đến kiệt sức, thấy cái cổ gầy nhẳng của ông Lương hở ra chịt vào tán rừng hoang, ông Sương khua dao bảo: Chú bịt lại, không thì rắn lục nó cắn, "tao" chẳng garô rồi cõng "mày" ra tỉnh được đâu. Đường ven sông cao và bé đến mức nó đã trở thành huyền thoại trong ký ức khiếp đảm của nhiều công an, bộ đội, giáo viên cắm bản và bà con thường qua lại. Bám vách đá cao vọi, ngoái nhìn xuống sông Chảy xanh nhờ thấy chóng mặt, đá tảng đùn lên lố nhố, đá ken dày ở hai bên bờ, rừng già lúp súp bò lan ra sát mặt nước. Đường, nhiều đoạn, chỉ gồm mấy mỏm đá bé đúng bằng bàn chân người ta. Đường mòn treo giữa xanh đen rừng già. Đặt chân rồi thì phải bước, đường không đủ chỗ để hai cái chân đứng cùng một gờ đá. Trượt chân là mất mạng.
Năm ngoái, có đoàn cán bộ trẻ của ngành Bưu chính Viễn thông nhiệt huyết đem tivi, đầu đĩa lặn lội vào bản Cốc Dế toan "chiếu" cho bà con thưởng thức văn hóa miền xuôi một bận (Cốc Dế cũng chưa có điện lưới). Đi đến khúc đường điệp trùng vách đá chồ ra mép sông này, tivi rơi tõm xuống sông Chảy, mất vĩnh viễn. May mà không thiệt mạng nào. Vừa rồi, mấy chú thi công khoan đá nhồi mìn phá núi mở đường, nhìn thấy con rắn lục, giật mình một cái, chiếc khoan tiền triệu rơi xuống sông Chảy, không bao giờ có thể tìm thấy được nữa. Dòng sông như cái miệng dữ của vòi rồng.
Với hơn bốn chục hộ dân, chủ yếu người Mông và người Tày sinh sống, bản Cốc Dế chưa bao giờ dám mơ có đường ôtô vào tới nơi. Vì những trái núi quá lớn án ngữ khắp hơn hai chục cây số đường dọc sông. Cũng vì Cốc Dế là miền đất… ngõ cụt, thật hiếm tiềm năng "nóng hổi" nào có thể câu kéo nhà đầu tư sốt sắng mở đường lên thượng nguồn sông Chảy tít mù xa. Một cụ già người Mông bảo cán bộ: chỉ có Giàng mới dời được những ngọn núi lớn kia đi. Mà Giàng phá núi xong thì đá cũng đã mọc trên đầu tao rồi. Sông Chảy lúc ấy, có mà mày bảo là nó đã chảy ngược sang Trung Quốc tao cũng tin.
Ông Lương nghe mà thương quá: "Chúng tôi hứa, năm 2007, xe máy sẽ đi được vào bản". Cụ già người Mông vẫn lẩm bẩm: "Ta sống gần 100 năm rồi. Sông Chảy không hứa sẽ chảy ngược được đâu, cán bộ à". Trưởng bản Sùng Seo Châu, 14 năm làm trưởng bản vẫn chưa biết nói tiếng Kinh, thấy “căng” quá mới đỡ lời cán bộ Lương, bằng tiếng Mông, tạm dịch: "Các cụ à, cán bộ hứa bao nhiêu lần rồi, có lần nào sai hứa đâu. Lần này, sông Chảy không chảy ngược được, đá không mọc trên đầu người được, nhưng các cụ cứ chờ đợi, đến năm 2007 xem đường có vào Cốc Dế ta không đã, rồi sẽ… có ý kiến". Mấy cụ già cùng thốt lên "chà chà" rồi xoa xoa tay nhìn cán bộ Lương. Đồng loạt cạn một bát rượu ngô, hy vọng.
Ông Lương thương bà con quá mà mạnh dạn hứa, dẫu biết rằng, mọi việc không đơn giản tí nào. Ai đó bảo, xin dự án, người ta đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành lắm. Con đường phải hiệu quả này nọ cơ; mà Cốc Dế là bản cụt, chả có tiềm năng gì. Ông quắc mắt: như thế là đếm củ dưa hành, nhưng đếm không đến nơi đến chốn. Hiệu quả kinh tế nào so sánh được với nỗi khát khao và niềm vui mở đường của bà con mình? Dẫu gì thì đi "xin" dự án, quy trình của nó vẫn hơi lâu. Thỉnh thoảng bà con về huyện lại chân đất, đi bộ đến gặp ông Lương, có hôm xách theo hũ rượu nấu bằng nước bản Cốc Dế, "nặng đô" đến mức, đem dí đóm vào, lửa cháy xanh lè. "Hối lộ" một hũ rượu bản. Đốt rượu hơ chân hơ tay cho đỡ cóng xong, trước lúc về lại bản mình, bà con đứng ở cửa phòng Phó Chủ tịch, ý nhị nhắc: sao đường lâu về đến bản Cốc Dế thế, chú Lương à?! Có lần đi chợ Si Ma Cai, một cụ già còn cắp nách con gà trống choai ra… nhắc cán bộ làm đường. Rượu, rồi gà đến nhắc nhở, dần dà thành nỗi ám ảnh, ám ảnh bởi cái tình thô mộc, sáng trong của người sống sau núi cao biên tái.
Đỉnh điểm của việc "hối lộ" làm đường (theo cách nói vui) là khi ông Lương cùng cấp trên vào khảo sát tuyến đường, bà con biếu một con chó nhầng nhầng lớn về nuôi làm kỷ niệm. Giống chó của người Mông, sống quen giữa khắc nghiệt hoang vu, cực kỳ tinh ranh. Ông Lương leo núi, chân bám đá như sơn dương. Đến quành sông Chảy có vách đá chìa ra, người phải bước dứt khoát, bám vào rễ cây vượt qua. Người nhảng được; nhưng chó không có "võ" bám hai tay ở vách đá cao 2m rồi đu người lên như… người. Thế là người phải cõng chó, cõng chó trong một cái gùi. Câu chuyện thật mà như huyền thoại. Kỷ niệm ấm áp, ngồ ngộ nhưng xé lòng.
Đặt tên cho dốc Cõng Chó
vào Cốc Dế thay vì leo trèo đu bám trên vách núi vực sông như trước đây.
Hôm nay, cuối tháng 12-2006, mượn chiếc xe Vitara hai cầu của ngân hàng chính sách huyện nghèo mới tái lập trên đá (cách TP Lào Cai gần 100km), tôi, ông Lương và nhóm cán bộ huyện vào Cốc Dế để kiểm tra đường lần cuối trước giờ thông xe. Nhìn vách đá, Hoàng Quốc Toản, công an huyện cắm xã Bản Mế, ngồi trong ôtô cứ lắc đầu: lúc mới về nhận công tác, em cứ nghĩ mình phải đầu hàng những vách núi kia. Giọng ông Lương hào hứng:
- Chỗ này đây, chỗ này tớ trượt chân suýt chết. Giời ơi, họ xẻ đôi được quả núi này rồi kia à?
Xe ôtô bé nhỏ như cái bao diêm trước mênh mông vách núi bờ sông. Ông Lương cố vói mắt lên đỉnh núi, đầu "ngửa" tới mức, mũ trên đầu ông rơi xuống đất. Sát mép vách núi dựng một tấm bảng lớn: "Đường Cốc Cọc - Cốc Dế. Chủ đầu tư: BQL Dự án giảm nghèo Lào Cai. Đơn vị thi công: công ty TNHH Anh Nguyên. Khởi công, tháng 4 năm 2006…".
Vẫn giọng ông Lương:
- Cây rừng sừng sững thế này đây, đường vào rồi, cẩn thận mà mất rừng. A, đây rồi, chỗ này tôi phải cõng con chó mới ra khỏi bản được đây này. Tôi rất tiếc, nhà báo ạ, độ ấy tôi không chụp lấy cái ảnh cho mọi người xem, nó là một huyền thoại. Huyện này có bản được đặt tên là Lù Thí Chồ, theo tiếng Mông, nghĩa là đường vào đó thấp thểnh, leo như là leo cái thang đá đi lên trời. Chỗ này cũng thế.
Từng tảng đá to như gian nhà vẫn tiếp tục được phá. Cua được cắt dọc núi đất và núi đá. Đám công nhân rau thiếu, nước thiếu, tối ngủ trong hang đá lạnh toát, không có đến cả lều bạt. Mấy chàng trai nhỏ bé từ Vĩnh Phúc lên làm phu lục lộ, thế mà họ "rời” phá núi như Ngu Công trong sách cũ. Đường ôtô sắp vào đến Cốc Dế. Ông Lương thầm thì: gặp lại tôi, các cụ vui lắm, uống rượu thì phải biết. Không phải mang rượu ngô ra huyện “bôi trơn” dự án nữa nhé. Giá mà gặp Sùng Seo Châu, trưởng bản Cốc Dế ở đây, thì ông ấy sẽ sờ lên đầu Phó Chủ tịch huyện xem đá đã mọc lên đầu ông ta chưa.
- Trời ơi, chú Lương!
Giọng người đàn ông mặc chiếc áo ngành công an cũ sờn vọng ra từ sau khối đá lớn. Ra là trưởng bản Châu. Ông Châu 51 tuổi, nắm tay ông Lương dậm chân bành bạch, mặt lấp lánh niềm vui. Sùng Seo Châu kéo tuột đoàn khách về Cốc Dế, bữa tiệc núi rừng được dọn ra trong niềm vui mở đường của người Mông, người Tày. Đám trẻ kéo đến, chúng đứng trong khu rừng cấm xanh um, vạm vỡ toàn cây cổ thụ rì rầm bàn tán. Cháu Sùng Thị Sâu, 15 tuổi, người hiếm hoi ở Cốc Dế biết nói tiếng Kinh, bảo tôi: "Nhiều đứa chưa bao giờ nhìn thấy cái bánh xe hình tròn. Sắp có ôtô vào bản, thật không tin được. Mọi ngày cháu đi chợ, có khi phải đi bộ từ nửa đêm hôm trước thì mới tới chợ kịp được phiên sáng mai".
Cậu lái xe huyện ủy cứ loay hoay lo bảo vệ nước sơn của ôtô, bởi trẻ con nhìn thấy ôtô lần đầu tiên, chúng tò mò cạy cọc tứ phía. Ông Lương kéo trưởng bản Sùng Seo Châu ra mép sông Chảy, dí dủm: chỗ này là chỗ em cõng chó vượt núi đây này, bác Châu. Tiếng Mông cõng một vật gì trên lưng tức là gì hả bác? Là "Ậu". Được rồi, thế con chó gọi là gì, rồi: "Tu Đế". Em và bác sẽ đặt cái dốc khủng khiếp chòi ra sông Chảy từng doạ bao nhiêu mạng người, từng nuốt mất tivi, máy nổ, lại cả máy khoan của nhà nước này là dốc "Ậu Tu Đế". Bác Châu đồng ý không? Một cái dốc mà xưa kia, để dắt được con chó săn đệ nhất của bản Cốc Dế vượt qua nó, người ta phải cõng chó!
Dọc đường về, hỏi quê đâu ta, hóa ra ông Lương là người Phú Thọ lên bắc ải Lào Cai “đồn trú” đã ngót chục niên. Tôi buột miệng: Mấy cái Tết chưa được về thăm vợ con, suốt ngày leo rừng và hứa cho "sông Chảy chảy ngược" thế này, các anh thiệt thòi quá. Ai ngờ, Phó Chủ tịch huyện Đỗ Minh Lương gay gắt: "Ô hay, mình hy sinh một tí, mang hạnh phúc cho bao nhiêu bà con. Mình phải vui vì điều đó mới phải chứ". Ông lại thêm một lần bần thần: "Bà con mình tốt lắm". Có thêm một con đường khảm trên đá cho bà con đi đến văn minh đã đành. Cái quan trọng hơn là con đường mà ông Lương và các đồng chí của mình đã, đang và sẽ theo đuổi: nỗ lực đem thêm thật nhiều niềm vui và ánh sáng đến cho bà con mình. Nhất là bà con còn chịu nhiều thiệt thòi trên núi đá khắc nghiệt tít mãi nơi thượng nguồi biên ải, như Cốc Dế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét