Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Vèo qua Si Ma Cai 1 cái





Sau chuyến tàu xuyên đêm từ Hà nội, sau các thủ tục chào hỏi mọi người, tôi được cho đi "ké" Si Ma Cai. Chuyến đi của ban giám đốc tiễn bác sỹ đi 1816 từ tỉnh xuống huyện, vui vẻ , thân tình (chứ không như của cơ quan mình). Vẫn còn nhiều lăn tăn, tồn tại. Được 1 bác sỹ tiết lộ: tiền chế độ của anh em đi 1816 từ năm ngoái mà vẫn chưa giải quyết xong!!! vậy mà anh em vẫn vui vẻ ra đi, không láo và hỗn như mình...? hì hì.
Giám đốc - Bs Thuỷ của Bv Si (song ba na- mọi người vẫn đùa thế) quê ở Hải phòng, có thằng em vợ là Trực- khoa PTTH và CTHM, rất vui vẻ , nhiệt tình dẫn mọi người đi thăm bệnh viên Si. Bệnh viện rộng rãi , vắng vẻ, thoáng mát... khác hẳn BV nhà mình. Anh cũng giới thiệu : năm ngoái, BHYT đã chi trả cho BV anh gần 7 tỷ, chỉ phải chuyển đi 170 triệu lên tuyến trên thôi. (thế là tốt, nhỉ- chúc mừng anh) Anh cũng là Bs Ngoại, học chuyên 1 tại VĐ năm 04 thì phải.... Rồi hỏi thăm thầy này, thầy kia....Đường đi thật đẹp, ngồi Camry 2003 nên cực êm, phóng nhanh vun vút, nên ảnh chụp cũng không được đẹp- do toàn chụp từ trên xe màTừ Lào cai, đi đường 70, đến Bắc Ngầm thì rẽ đi Bắc Hà (khoảng 70km gì đó) đường đẹp, rộng rãi. Từ Bắc Hà đi thêm 26km nữa thì đến Si Ma Cai. Núi đá trùng điệp. Núi , núi và núi... nhìn xuống thấy thung lũng , thung lũng và thung lũng. Vài nóc nhà bé tí xíu, rải rác vài gia đình dân tộc đang trồng tỉa, làm nương rẫy... Đồng bào ta còn nghèo lắm...Lúc ở viện Si, người dân tộc đến bệnh viện khám chũă bệnh toàn ngồi bệt xuống đất, có gia đình cho trẻ con bò lổm ngổm dưới đất bệnh viện, cu tí 2 tuổi rưỡi. Nhìn thấy trẻ con , lại ân hận là không có gì cho nó : ít kẹo ,ít bánh... đồ chơi của con mình thừa mứa xếp trong sọt đầy...Có bài viết về Si như sau: (của Phi Long)

Nhìn trên bản đồ, Si Ma Cai như một chỏm nhỏ nằm chơ vơ bên dòng sông Chảy vắt ngang biên giới Việt - Trung. Đường đến đây uốn lượn quanh co bên trên những ngọn núi nối liền kề, nhiều lúc lại vắt ngang những đám mây trôi lững lờ.

Nhưng nơi đây lại đang là đích đến để khám phá của những bạn trẻ yêu thích du lịch vì khung cảnh hoang sơ và sự hiếu khách của người dân bản địa.

Mất một đêm trên chuyến tàu lửa Hà Nội - Lào Cai và ba giờ ngồi xe đò, chúng tôi mới đặt chân được đến Si Ma Cai - vùng đất xa nhất và “trẻ” nhất của tỉnh Lào Cai. Những cung đường hẹp, khúc khuỷu với nhiều góc cua gấp làm chúng tôi nhiều lần thót tim cùng với vòng xoay vôlăng của bác tài. Nhưng rồi mọi mệt nhọc, lo lắng cũng được xua tan khi khung cảnh hai bên đường là những đỉnh núi xanh tươi vờn mây, thấp thoáng đâu đó vài nóc nhà xa tít ở lưng chừng đồi.

Mỗi ngày có 2 - 3 chuyến xe từ TP Lào Cai đi đến Si Ma Cai. Chuyến xe cuối cùng trong ngày xuất phát từ Si Ma Cai thường chạy vào lúc 4 giờ chiều. Du khách có thể theo chuyến xe này về thị trấn Bắc Hà hoặc TP Lào Cai để nghỉ qua đêm vì hiện tại Si Ma Cai không có nhà nghỉ.

Có khá nhiều cách lý giải cho cái tên Si Ma Cai, nhưng xem ra cách giải thích cho rằng Si Ma Cai xuất phát từ lối đọc chệch của cái tên Sín Mà Cái là hợp lý nhất. Theo âm tiếng Mông, Sín Mà Cái có nghĩa là “chợ ngựa mới”. Xưa kia chợ phiên họp sáu ngày một phiên ở phố Cũ. Đây là nơi tương đối bằng phẳng với nhà dân san sát tạo thành một khu dân cư đông đúc. Nhưng sau đó, khu chợ này được chuyển lên khu lưng chừng núi với địa thế khá thoáng đãng. Nơi đây có thể phóng tầm nhìn bao quát cả một khu vực rộng lớn.

Địa hình Si Ma Cai là vùng đất chổm chòe lưng núi thuộc khối nông vòm sông Chảy (vùng núi có tuổi cổ nhất so với cấu tạo của Bắc bộ) được kiến tạo bởi nhiều dãy núi chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chia cắt mạnh với nhiều thung lũng nhỏ hẹp. Cả huyện có đến 11 dân tộc anh em sinh sống như Kinh, Nùng, La Chí, Tày, Phù Lá... (nhưng chiếm đa số là người Mông với 82,52%) tại 11 xã với 90 thôn bản. Ngoại trừ vùng trung tâm, phần lớn người dân ở đây sống tại những bản làng heo hút, chênh vênh bên những sườn núi. Hôm theo chiếc xe đò lên nơi đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hai bên đường, ở đằng xa tít là những ngôi nhà bé tẹo trong tầm mắt.

Anh xe ôm tên Hiền nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi những món đặc sản không thể bỏ qua khi đến đây. Anh cho biết ngoài món thắng cố đã trở thành đặc sản chung của các huyện miền núi phía Bắc và món mèn mén (bắp được xay nhuyễn và nấu lên), còn có rượu ngô Si Ma Cai, hay còn gọi là rượu Si với mùi vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Anh Hiền cũng không quên nói rằng người dân nơi đây rất thân thiện và dễ mến. Điều đó đã được chúng tôi chứng minh khi đưa ra lời đề nghị chụp hình hai đứa trẻ đang đi bên đường. Chúng tỏ ra thích thú cười tươi sẵn sàng làm người mẫu cho khách lạ đến từ phương xa. Rồi tôi lại nhớ đến cũng lời đề nghị đó nhưng lại nhận được câu trả lời “chụp ảnh phải trả tiền á” của một nhóm trẻ em ở Sa Pa.

Kham pha Si  Ma Cai
Nụ cười hồn nhiên của hai đứa trẻ Si Ma Cai
Lang thang nơi đây đâu đâu cũng thấy những cánh rừng bạt ngàn xanh ngút và không hề có dấu hiệu bị con người xâm hại. Mang thắc mắc này hỏi người dân bản địa mới được biết rừng được người dân tự nguyện bảo vệ rất nghiêm ngặt. Vào tháng hai hằng năm, người Mông lại tổ chức lễ hội “Nào lòng” (tức lễ cúng rừng), còn người Nùng cúng đến hai lần trong năm. Trong buổi lễ, mọi người sẽ tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức để giữ rừng và phải long trọng thề không được chặt phá. Và rồi chúng tôi khá bất ngờ khi thấy Internet cũng đã vào đến đây. Trong một tiệm net công cộng khá nhộn nhịp kẻ ra người vào, mấy cô gái Mông trong trang phục truyền thống tụm hai tụm ba xúm vào màn hình để... chat. Chốc chốc lại quay mặt ra khỏi màn hình cười tủm tỉm như sợ bị “đối phương” phát hiện. Khi “bị” chúng tôi phát hiện, mấy cô đỏ mặt thẹn thùng. Tại chợ Si Ma Cai, những sản phẩm từ miền xuôi cũng xuất hiện khá nhiều trong những gian hàng tạp hóa của người dân nơi đây.

Không “may mắn” như “người anh em” Sa Pa nằm ở mặt tiền thuận lợi cho du khách, lại được thiên nhiên ưu ái cho đỉnh núi cao nhất bán đảo Đông Dương - Phanxipăng, Si Ma Cai nằm lặng lẽ ẩn mình trong góc khuất bên dòng sông Chảy. Nếu được lựa chọn để làm một chuyến du lịch lại, tôi sẽ chọn Si Ma Cai chứ không phải Sa Pa vì nét hoang sơ, sự quyến rũ và cả sự thân thiện hiếu khách của người dân nơi đây. Cả ngày ở đây, chúng tôi không hề bị đòi tiền “bo” (vẫn thường gặp ở Sa Pa và nhiều địa điểm du lịch khác) từ người dân bản xứ khi chụp hình họ, thay vào đó là những nụ cười tươi hồn hậu. Bạn cũng có thể tản bộ thong thả mà không sợ bị quấy rầy bởi những người bán đồ lưu niệm, thổ cẩm.


Ông già bị ốm, mổ MTMT trong não, mình bèn nhân dịp để râu, 3 tuần không cạo. Đến tuần 2 ngứa quá, nhổ sạch râu cằm, giữ lại bộ ria. Nhưng thật sự mình cảm thấy bẩn bẩn và không ổn tí nào. Hôm qua cạo sạch rồi. Nhẹ cả người, cứ cảm giác như vừa tiến hoá lên từ khỉ ...!!! chụp cái ảnh giữ lại bộ ria, he he.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét