Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Hàng trăm bức ảnh về Việt nam cổ

Có ai đó nói không sai: khi người ta bắt đầu quan tâm đến quá khứ, lịch sử thì tức là đã không còn trẻ nữa...Biết được cha ông ta ngày xưa thế nào, dân tộc ta như thế nào cách đây chưa đến 150 năm thì thật là thú vị. Có điều, tất cả những tư liệu này lại đang ở Pháp. Chúng ta đang có nó ở trên internet... Có 2 website, nhưng trang lưu ảnh của bác sỹ Hocquard 1884-1885 chất lượng tốt hơn


http://nguyentl.free.fr/html/sommaire_photo_ancienne_vn.htm
Người lập ra trang web quí giá với dân Việt nam này là ông Nguyễn Tân Lập, chắc ông ta đang ở Pháp. Những tấm ảnh thật là quí giá.
Trong suốt cuộc hành trình lập quốc, nước Việt-Nam đã biết nhiều chiến tranh hơn là hoà bình. Chính vì đó mà phần đông những di tích lịch sử không còn tồn tại đến thời nay.
Nếu ai có dịp để ý thì sẽ thấy rằng hầu như tất cả sá
ch lịch sử Việt-Nam đều rất "ngán", sách nào cũng chỉ tả lại những dữ kiện xưa một cách buồn bã với những ngày tháng và những tên họ hay chức tước dài lòng thòng, khó nhớ như một quyển tự điển, ít sách nào chịu khó sưu tầm để thêm nhiều hình ảnh vào cho nó sống động như một câu chuyện hình dễ nhớ. Một trong những điểm khôi hài là một phần lịch sử của Việt-Nam đã được lưu lại trên các tấm bưu thiệp ở Pháp mà không một quyển sách lịch sử Việt-Nam nào nói đến. Những tấm hình nầy phần lớn đã thuộc về lịch sử, không còn bản quyền (trừ những hình của ông Pierre DIEULEFILS mà bản quyền còn đến năm 2007), phần đông các tấm hình nầy đã được chụp từ cuối thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ thứ 20, vào thời này vấn đề bản quyền chưa được coi trọng, (theo luật pháp hiện nay thì bản quyền hết hạn 50 năm sau khi tác giả mất). Những tấm hình nầy được lưu trữ tại nhiều nơi ở Pháp: trong mổi cục bộ của chánh quyền, Thư Viện Quốc Gia (trên site Internet), Sở Ðịa Dư Paris và nhất là ở trung tâm dữ liệu thuộc địa ở Aix-en-Provence.


Ðã có nhiều người làm công việc sưu tầm các tấm hình này như các quyển sách: Archives De L'Indochine của Jacques Borgé và Nicolas Viasnoff (Nhà xuất bản Michèle Trinckvel), L'Indochine En Cartes Postales của Jean Noury (Nhà xuất bản Publi-Fusion), "L'Indochine à la belle époque" của Fancis Engelmann (Nhà xuất bản ASA), Những Hình Ảnh Xưa của Nguyễn Khắc Ngữ (Nghiên-Cứu Sử-Ðịa xuất bản), v.v... và gần đây trong một CD-ROM của Hội Chuyên Gia Việt-Nam.

Một trong những nhà xuất bản nổi tiếng thời đó phải kể đến ông Pierre DIEULEFILS, trước đó là một người trong quân đội, nhưng sau khi giải ngũ đã ở lại Tonkin (Hà Nội) để hành nghề xuất bản bưu thiệp. Vào thời nầy, còn hơi hỗn tạp nên bây giờ có nhiều tấm bưu thiệp giống nhau nhưng lại được đóng dấu với nhiều nhà xuất bản khác nhau ! Xa hơn nữa, có nhiều người mạy danh của ông để in bưu thiệp, thí dụ như tất cả tấm bưu thiệp của vùng Yunnan (bên Tàu), đến nỗi ông phải lên tiếng đính chánh trong tờ báo "L'avenir du Tonkin" ngày 17-12-1909 rằng không phải ông là tác giả của những tấm bưu thiệp đó vì ông chưa bao giờ đặt chân đến vùng Yunnan !


Các bạn sẽ tìm thấy ở đây những hình ảnh được sắp đặt theo chủ đề. Hy vọng rằng sau khi thăm viếng site này, các bạn sẽ có thêm được nhiều hình tượng mới về Việt Nam

Những tấm hình xưa nhất Việt nam:

hững tấm hình nầy được trích ra từ cuốn "Ðất Việt Trời Nam" xuất bản ngày 22-08-1960 tại Sàigòn của Việt-Ðiểu Thái-Văn-Kiểm (ông đang cư ngụ tại Pháp)


"Ðồn Hai" ở Ðà Nẵng

Bức ảnh đầu tiên về nước Việt-Nam do người Tây Phương (Jules Itier) chụp ngày 31-05-1845 với máy Daguerreréotype, phát minh năm 1839. Phim là một tấm kim loại bằng đồng có tráng bạc.

Cụ Phan-Thanh-Giản (1796-1867)

Hình chụp tại Paris năm 1863 nhân dịp ông cầm đầu sứ bộ sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ. Ở Pháp cả hai tháng mà không gặp được vua Napoléon III, ông đành trở về Việt Nam với vài lời hứa hẹn của Pháp, nhưng khi về tới Việt-Nam thì Pháp đã đánh chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây !

Vua bổ trách nhiệm cho ông trấn thủ miền Nam, tới năm 1867 thì toàn lãnh thổ của Nam Kỳ rơi vào tay của người Pháp. Không hoàn thành sứ mạng, ông uống thuốc độc tự tử chết sau khi để di chúc lại cho con cháu và khuyên là không nên làm chánh trị !

Hình còn tàng trữ tại Bảo tàng viện Nhân-chủng-học của Paris.

Họa phẩm (Hiếu-Ức-Quốc) xưa nhất về dân tộc Ðại-Việt (1078)

Một họa phẩm danh tiếng của Lý-Công-Lân tức Lý-Long-Miên, người đất Chu, đại-thần đời nhà Tống, miêu họa các sứ giả của Hiếu-Ức-Quốc, có nghĩa là nước của những người có lòng hiếu thảo, tức là nước Ðại-Việt của ta vậy (theo Ô.Thái-Văn-Kiểm).

Bức tranh nầy được lưu giữ tại viện bảo tàng Emile Etienne Guimet ở Paris !

Và đây nữa, 1 trang khác, của 1 người khác cũng từ Pháp. Trang này cũng rất hay, rất ấn tượng và đẹp

http://hinhxua.free.fr/autrefois/docteur-hocquard/page1/photo_docteur_hocquard_1_vn.htm


Những tấm hình của Bác Sĩ Hocquard

hay là hình ảnh của Việt-Nam vào những năm 1884-1885

Năm 1884, Ông Charles-Edouard Hocquard theo đoàn lính viễn chinh Pháp tới xâm chiếm Việt Nam với tính cách là bác sĩ quân y, nhưng ông cũng là một nhà nhiếp ảnh viên đại tài.

Những tấm hình nầy có một giá trị lịch sử rất lớn. Ðây là lúc mà Pháp sắp sửa chiếm hết Việt Nam và đây cũng là những hình ảnh duy nhất còn sót lại mà chúng ta thấy được những thành trì khi xưa.

Sau khi chiếm thành Hà-Nội lần thứ hai vào năm 1882 (Tổng Ðốc Hoàng Diệu tự tử với thành), quân Pháp tiến về biên gìới phía Bắc vì lúc bấy giờ triều đình Huế đã âm thầm yêu cầu Giặc Cờ Ðen (và sau đó là quân đội Trung Quốc) giúp Việt Nam đánh Pháp. Lúc bấy gìờ Trung Quốc vẫn coi Việt Nam như là "thuộc quốc" của mình nên được dịp họ tràn qua chiếm nhiều tỉnh phía Bắc vùng biên giới.

Ðể phản công, Pháp tung hải quân đánh chiếm được những đảo Pescadores và Formose (Taiwan) của Trung Quốc nhưng Pháp không đủ quân để đánh với một nước 400 triệu dân nên tìm cách giảng hoà trong hiệp ước ký tại Thiên Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 trong đó Trung Quốc chấp nhận là không còn coi Việt Nam là "thuộc quốc" của mình nữa và hứa là sẽ tôn trọng lãnh thổ Việt Nam mà các đường biên giới sẽ được 2 nước (Pháp & Trung quốc) xác định sau. Lúc đó coi như Pháp đã hoàn toàn thôn tính nước ta.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885, Vua Hàm Nghi kêu gọi toàn dân nổi dậy chống Pháp, phong trào Cần Vương ra đời.

Lúc nầy thì Ông Bác Sĩ Hocquard trở về Pháp để nhường chổ cho... ông Bác Sĩ Neis, đại diện cho bộ ngoại giao Pháp tới Việt Nam để tham dự trong phái đoàn vẽ đường biên giới với Trung Quốc. Ông Bác Sĩ Neis cũng có viết hồi ký kể lại chuyến công tác nầy mà các bạn có thể đọc ở một cái site bằng tiếng Pháp mà tôi để địa chỉ ở trong trang web liên mạng. Ðây cũng là một biến cố quan trọng cho lịch sử Việt Nam vì đây lần đầu tiên mà Việt Nam (do Pháp đại diện) đã ký kết với Trung Quốc trên giấy trắng mực đen về những đường ranh giới (trước đó chỉ là sự thỏa thuận ngầm).

Những tấm hình của Ông Bác Sĩ Hocquard được xuất bản bởi Trung Tâm Tồn Trữ Dữ Liệu Thuộc Ðịa ở Aix-en-Provence.

Hà Nội (1884-1885)

Điện Kính Thiên bị Pháp chiếm làm đồn lính

Cổng thành cửa Bắc ngày xưa, lố nhố Tây

Đây là Bờ Hồ thân thương của mình ngày ấy
Đây là Văn Miếu, Quốc Tử Giám

Và sau đây là 1 cô gái Hà nội, hay phụ nữ Hà nội

"An Nam" là danh từ mà Trung Hoa dùng để gọi nước ta, ám chỉ là vùng phía Nam đã được "an bình hóa". Không biết vì lý do gì mà Pháp dùng chữ Annam để gọi riêng miền Trung và chữ tĩnh từ (annamite) của nó lại được dùng để gọi người miền Trung... hoặc cả dân tộc Việt Nam. Thí dụ như Pháp dùng danh từ "Lính an nam mít" để chỉ đội quân Việt (từ Bắc tới Nam) đi làm cho Pháp. Cũng từ đó mà tiếng Việt có từ "an nam mít" để rồi ngày hôm nay có người chỉ gọi là "mít" thôi !

Xưa Pháp gọi miền Bắc là Tonkin, miền Trung là Annam và miền Nam là Cochinchine. Indochine dùng để ám chỉ 3 nước Pháp thuộc đó là Việt Nam, Lào và Cam-Bốt.


Hay không? quý không? Và còn nhiều ảnh nữa...Thở dài 1 tiếng...
http://hinhxua.free.fr/autrefois/docteur-hocquard/page1/photo_docteur_hocquard_1_vn.htm
http://nguyentl.free.fr/html/sommaire_photo_ancienne_vn.htm
Sau một hồi lục lọi thì ra cả 2 link này đều dẫn về Website của ông Nguyễn Tân Lập. Trang web của ông rất hay. (nguyentl.free.fr). Tìm được ở đây 1 bản đồ Hà nội cổ 1930 và nhiều ảnh khác nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét