Thắng lợi vẻ vang
Mấy hôm na y theo dõi hội nghị về Đối thoại về phòng chống tham nhũng trong ngành y tế được tổ chức tại Hà Nội vào ngày ngày 26-11, tôi tưởng là sẽ có những biện pháp cụ thể trong phòng chống tham nhũng, nhưng sự thật thì hình như chẳng có biện pháp gì, do nền y tế của ta đã quá tốt. Nói như ông C ục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê thì “Ngay cả bác sĩ của các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Nga Putin khi đến VN cũng phải công nhận là rất yên tâm về hệ thống y tế của VN” (xem bài trên Phapluattp.vn).Vâng, tôi cũng nghĩ là đứng trên mặt tổng quan mà nói thì nền y tế của ta không tệ, nhất là khi so với các nước trên thế giới với nền kinh tế tương đương và cùng thu nhập. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh giảm thấp hơn cả những nước trong vùng. Tuổi thọ trung bình hiện nay tương đương hay cao hơn các nước trong vùng, và tiếp tục gia tăng. Đó là sự thật cũng đáng kể ra chứ.
Nhưng sao tôi thấy vẫn băn khoăn với lời khen của ông bác sĩ riêng của Putin. Theo thống kê, tuổi thọ trung bình ở Nga vào năm 2007 là 67.6 năm. Vẫn theo thống kê, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 74.2 năm. Điều này chắc cũng nói lên phần nào về ấn tượng của ông bác sĩ nọ. Do đó, được một bác sĩ riêng của một ông tổng thống của một nước có tuổi thọ trung bình thấp hơn nước ta gần 7 năm thì tôi nghĩ chắc cũng chẳng nên lấy đó làm niềm tự hào.
Làm sao tự hào được khi mà khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực sức khỏe. Năm 1996, 34 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm y tế hay thanh toán bệnh viện phí. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em thuộc gia đình nghèo vào năm 1992 là 3.4% (tính trên số trẻ em mới sinh), và đến năm 1997, con số này vẫn không giảm (3.4%); tuy nhiên, trong cùng thời gian, tỉ lệ tử vong ở trẻ em thuộc gia đình được xem là “không nghèo” giảm từ 3,9% xuống còn 2,5%. Năm 1992, trong số 20% người nghèo nhất, 35% được xem là thiếu dinh dưỡng và 73% trẻ em nằm trong nhóm “thiếu cân”; đến năm 1997, cũng trong số 20% người nghèo nhất, tỉ lệ suy dinh dưỡng thậm chí tăng lên đến 40%, và tỉ lệ trẻ em thiếu cân giảm còn 69%. Nói tóm lại, tính trung bình thì tình hình y tế nước ta có cải tiến tốt, song khoảng cách giữa người giàu và nghèo dẫn đến tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân là một vấn đề nghiêm trọng.
Cộng vào sự bất bình đẳng trong nền y tế là vấn đề tham nhũng. Các đối tác nước ngoài nhận xét rằng ở nước ta “tham nhũng trong ngành y tế nghiêm trọng”. Nhưng tại sao có tham nhũng? Theo Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Nguyễn Tiến Quyết thì do lương thấp và tiên đoán rằng “Nếu nhà nước trả lương đủ sống; y tá, điều dưỡng mà lương 6, 7 triệu đồng thì chẳng ai tiêu cực hết!” Tuy nhiên, theo PGS TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng, thì “Tham nhũng không hẳn do lương thấp, đạo đức kém!” Gs Dinh kể về một bác sĩ ở Bệnh viện Việt-Đức tuy lương chính thức chỉ có 3 triệu đồng / tháng, nhưng tổng thu nhập hàng tháng lên đến 40 triệu đồng. Tôi nghiêng về cách giải thích của GS Dinh hơn.
Tham nhũng trong y tế là chuyện phức tạp, nhưng bao gồm cả chuyện “lót tay”. Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích về chuyện lót tay như sau: “Vào bệnh viện tư thì không phải lót tay, phong bì bác sĩ. Nhưng vào bệnh viện tư thì anh trả 100.000 đồng cho một lần khám chữa bệnh trong khi ở bệnh viện nhà nước chỉ phải trả 3.000 đồng thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10.000 đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế vẫn còn rẻ chán so với khám tư” (xem bài báo trên PLTP). Tôi có cơ duyên gặp ông bộ trưởng một lần trong hội nghị loãng xương năm 2008, và thấy ông là người rất dễ mến, dáng người phương phi, ăn nói nhã nhặn, và đặc biệt là cách nói rất gần với người dân. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc phát biểu rất thật tình trên của ông bộ trưởng. Nếu người dân nói câu đó thì chắc chẳng ai phàn nàn, nhưng lời nói đó xuất phát từ một bộ trưởng thì tôi thấy hơi lấn cấn, và chắc chắn sẽ làm cho nhiều người mở mắt ngạc nhiên.
Thật ra, đâu phải chuyện lót tay cho bác sĩ; ngay cả điều dưỡng và thậm chí nhân viên quét dọn cũng cần được lót tay. Bài báo dưới đây trên Dân Trí tuy không xác định trách nhiệm cho ai, nhưng hàm ý nói đến ảnh hưởng của chuyện lót tay nhiều khi ảnh hưởng đến mạng sống của một con người. Có khi về quê nghe mấy người láng giềng kể về chuyện lót tay mà chẳng biết nên cười hay nên khóc. Họ nói nếu không lót tay thì y tá có thể chích thuốc đau hơn, người dọn vệ sinh phòng sẽ chậm trễ trong việc thay drap giường, người quét dọn có thể quét để bụi tung bay mịt mù, v.v… Nói chung là đủ cách để làm khó bệnh nhân. Nhưng những khía cạnh này khó mà kiểm soát bằng luật được (hay ngay cả có luật thì người ta vẫn có cách lách mà bệnh nhân không thể nào dám nói). Vấn đề chung qui lại vẫn là đạo đức xã hội và tinh thần trách nhiệm. Ước gì có ai đó đứng ra làm một “qualitative research” để tìm hiểu kiến thức, hành vi và thái độ của những đối tác liên quan, để tìm hiểu xem họ nghĩ gì. Những vấn đề này nói hoài không hết chuyện. Có lẽ tại cái nước mình nó như thế. Nguyễn Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét