Chuyện kể rằng vào ngày 28 tháng giêng năm Canh Thìn 1760, Lê Qúi Đôn được chúa Trịnh Doanh đề cử trong số sáu người, sứ bộ An nam sang triều cống Trung Hoa. Khi gặp Chu Bội Liên là một học giả nổi tiếng của nhà Thanh, bấy giờ được phái đến Quảng Tây chấm thi hương. (3)
Chu có ý lục vấn kiến thức của Qúi Đôn về chuyện kiến trúc thành quách, y hỏi: « Tôi nghe nói rằng thành xứ Phù Nam (Cam-pu-chia) có bốn cửa, cửa Tiền hướng Đông. Thấy chép như vậy trong sách Giang Đông Cựu Sự, nhưng tôi lấy làm nghi, vậy cửa Tiền ở Quí quốc quả như thế không ? »
Cụ Lê đáp : « Từ xưa, dựng đô lập ấp, phải xem âm dương, xét trời đất, nhắm trước sau, thẩm cao thấp; kết-quả là chưa có cửa Tiền thành nào không quay về hướng mặt trời (4) .... Còn như Đô Thành nước tôi, thì cùng một chế với thành quách xưa nay. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ và các Tự, các Viện đều bởi quan thái-giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc Việc ấy được chép trong sách Hoàng Minh thông kỉ »
Chu nói : « Quí quốc có nhiều người tài nghệ như thế, mà tôi nghe rằng hiện nay, các trị sở tại trấn, phủ, huyện đều không có thành quách, là tại sao ? »
Lê Quí Đôn đáp : « Sách Hán chí chép: Giao chỉ có hơn 60 thành. Gần đây, trong khoảng triều Minh cai trị, cũng đắp hơn 20 thành. Không phải rằng nước tôi không biết giữ nếp cũ, nhưng ban đầu, khi quốc triều (Lê) mới lập, đã san bằng hết. Chỉ ở trấn thị, đắp luỹ đất mà thôi. Tôi trộm nghĩ rằng đó bởi có thâm ý...» Chu hỏi : « Tại sao ? » Đáp : « Nước nhỏ tôi và nước lớn Ngài, sự thể không giống nhau. Nay may được Thánh triều ôm ấp vỗ về, hai nước thành một nhà, không phải trở lại lo nữa. Nhưng trong buổi đầu triều Nguyên và triều Minh, bị tụi biên thần tham công mà sinh sự với nước tôi. Chúng tôi sợ bị đột nhập. Nếu tụ nhau ở trong một thành, ngồi để chịu vây đánh, thì chẳng là kế hay. Dân chúng là lính, làng mạc là của. Nếu ở linh tinh phân tán, thì muốn đánh cũng không biết chỗ nào mà đánh, muốn cướp cũng không thấy đâu mà cướp. Trái lại, nhân chỗ họ mà phá rối, đặt phục mà cản đường. Làm như vậy mới có thể giữ nước »... Qua trích đoạn cuộc đàm thoại trên, cũng có thể phần nào hiểu được nỗi lo toan của cha ông chúng ta trước một mối quan hệ "thông hiếu" (cha con) giữa nước ta và nước Tàu suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Năm 1407, Trương Phụ, tướng của nhà Minh đem quân sang nước ta, với danh nghĩa giúp nhà Trần đòi lại ngôi báu từ nhà Hồ. Bắt được cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương giải về Trung Quốc (5). Theo lệnh của Minh Thành Tổ, Trương Phụ khôi phục lại tên Giao Chỉ của nước ta như đời Hán, và tuyển chọn nhân tài có học vấn 9.000 người, cùng với 7.700 nghệ nhân đưa về Trung Quốc để xây dựng kinh đô. Ngoài ra, Phụ còn bắt nhiều thanh thiếu niên thông minh, tuấn tú, đưa về Nam Kinh, đem hoạn và đào tạo thành thái giám để phục vụ trong cung. Trong số đó có một vài người tài giỏi, nổi bật là: Phạm Hoành, Vương Cẩn và Nguyễn An. Danh nhân Nguyễn An trở thành thái giám từ cái hoạ "phù Trần diệt Hồ" giả nhân nghiã như thế! Để suốt đời phải phụng sự cho một triều đại được các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Hoa ghi rằng:“Thời Minh có chín nghìn cung nữ thì nội giám có tới mười vạn người, ăn uống không đủ nên có người bị chết đói”.(6) Đó là lý do khiến nhiều người tài như Nguyễn An phải mang tội "bất hiếu" với dòng họ tổ tiên ở đất Việt, để phụng sự Trung Hoa, nhờ kiến thức và tài năng siêu việt thì được hoàng đế Minh triều tin dùng. Phạm Hoành là người chủ trì việc xây dựng ngôi chùa lớn Vĩnh An Tự ở tây nam Bắc Kinh với kinh phí 70 vạn lạng bạc. Vương Cẩn (còn có tên Trần Vũ) là thái giám giả bị phát hiện nhưng vua miễn tội chết, còn ban cho cung nữ và nhiều vàng bạc. Để hiểu hơn về công việc của Nguyễn An, ta điểm qua một chút về sử đời Minh! (7) Năm 1368 Chu Nguyên Chương diệt nhà Nguyên, lên ngôi hiệu là Minh Thái Tổ, đóng đô ở Kim Lăng (nay là Nam Kinh). Minh Thái Tổ băng hà, Thái tử mất sớm, Thái tôn (cháu đích tôn) lên ngôi hiệu là Huệ Đế, năm 1399 bị Yên Vương Chu Lệ là con thứ của Chu Nguyên Chương cướp ngôi. Chu Lệ lấy hiệu là Minh Thành Tổ, năm 1421 dời đô về Bắc Bình (Yên Kinh) là kinh đô cũ của nhà Nguyên, đổi tên là Bắc Kinh, rồi giao Nguyễn An trông coi việc kiến thiết đô thành. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, đã viết rất rõ về nhà kiến trúc sư tài giỏi An Nam: "Nguyễn An thờ 5 triều vua: Thái Tông, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông, làm quan đến chức Thái Giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu lược tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng. Những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn, 6 bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao; các ty tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An đã thành lập mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong Hoàng Minh thông kỷ" (8) Nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng ở Trung Quốc là Trương Tú Dân, vào năm 1947 đã viết về Nguyễn An như sau: "Nguyễn An - A Lưu đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), là một trong số trẻ em trai mỹ tú của Giao Chỉ, do Trương Phụ đưa về Nam Kinh để hoạn sau khi bình Giao Nam, Năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416), theo lệ của Thành Tổ (1403-1424), tạo dựng thành trì, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty. Đến tháng 12 năm thứ 18 (1420) cung điện, đền miếu hoàn thành. Quy chế tuy phỏng theo Nam Kinh nhưng vượt xa về hoành tráng và vẻ đẹp. Một thanh niên trạc hai, ba mươi tuổi được lệnh tạo dựng công trình to lớn như vậy mà sơ bộ hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn, năm năm, có thể thấy rõ lòng tận tâm với chức vụ và sức sáng tạo của con người đó to lớn biết chừng nào! Nếu là ngày nay, thật không biết cần phải đến mấy nghìn công trình sư thiết kế, vẽ đồ án cho công trình này, còn An thì một mình vẫn dư sức làm việc đó. Điều ấy chứng tỏ An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc sao! Đến nỗi Bộ Công thời đó cũng chỉ như xưởng xây dựng bao thầu, các quan Bộ Công như những đốc công trong coi công việc, mọi quy hoạch đều làm theo lệnh của An mà thôi".
Sân hành lễ trong Cố Cung Ở một đoạn khác, tác giả họ Trương còn tiếp: "Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến chuyên chế nước ta. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan thì trăm ngàn người không được lấy một. Còn An thì hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn lấy một nén vàng ở trong túi, là người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hoà ba lần sang Tây Dương (Ấn Độ dương), đều là những người kiệt xuất trong hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ. Ngày nay, tên Tam Bảo thái giám thì đàn bà trẻ con đều tỏ tường, còn tên của nhà đại kiến trúc Nguyễn An - A Lưu thì ngay học giả, chuyên gia ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay, tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình sư đáng ngưỡng mộ, mà 1 triệu 60 vạn thị dân Bắc Bình (Bắc Kinh) cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm, chớ quên!" (9) Về sự tích Nguyễn An thì chính sử Trung Quốc đã chép như sau: ".... An có tài nghệ, giỏi mưu lược, tính toán, càng giỏi về xây dựng thổ mộc. Theo lệnh của Thành Tổ tạo dựng thành trì, triều miếu, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty, ngàn cửa muôn nhà, mắt đo ý định, thân hành thiết kế, tự tay vạch vẽ. Các thợ Bộ Công chỉ việc làm theo những gì đã được định sẵn mà thôi. Năm Chính Thống thứ 2 (1437), An được lệnh xây dựng Lầu 9 thành cửa kinh sư, tháng 4 năm thứ 4 (1439) thì hoàn thành. Khi lệnh ban ra, Thị lang Bộ Công nói bóng gió rằng: "Khối lượng công việc lớn, không huy động được 18 vạn người không xong, chi phí về các thứ vật liệu phải đủ dùng". Vua liền sai An chủ trì công việc. An lấy hơn vạn binh sĩ đang tập trung luyện tập ở kinh sư cho ngừng luyện tập để bắt tay vào công việc, cấp lương hậu, có làm có nghỉ. Mọi chi phí về vật liệu đều xuất của công, các ty không can dự, trăm họ không bị quấy nhiễu mà công việc hoàn thành. Tháng 3 năm thứ 5 (1440), An lại được lệnh xây dựng lại 3 điện, huy động 7 vạn thợ, quân quan đang luyện tập khởi công xây dựng. Tháng 10 năm thứ 6 (1441) 3 điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân, 2 cung Càn Thanh, Khôn Ninh hoàn thành. Nhà vua thưởng cho An 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, 1 vạn quan tiền. Tường thành Bắc Kinh ban đầu bên ngoài xây gạch, bên trong đắp đất, hễ mưa là sụt. Tháng 10 năm thứ 10 (1445) nhà vua lại sai An đốc công xây dựng. An còn trị thuỷ các sông Tắc Dương, Thôn Dịch, thân hành đào đắp, công tích rất lớn. Năm thứ 14 (1449), An được lệnh đi tuần tra đường thuỷ kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh. Sông Trương Thu ở Sơn Đông vỡ, tu sửa mãi không xong, đời Cảnh Thái (1450-1456), An lại được lệnh đến đó trị thuỷ, rồi mất ở dọc đường. An là người hết lòng vì việc công, cần mẫn tận tuỵ, thanh bạch liêm khiết, bình sinh những thứ được ban thưởng cùng của riêng đều nộp lại vào kho công....Như vậy, việc đời Minh xây dựng Bắc Kinh, đời Vĩnh Lạc là thời kỳ mở mang, quy chế còn nhiều khuyết lược, đến đời Chính Thống (Anh Tông) mới là thời kỳ hoàn chỉnh. Trước sau chủ trì công việc từ đầu đến cuối đều là Nguyễn An, người đã cống hiến trọn đời cho Bắc Kinh." (10) Qua trên chúng ta thấy được phần nào một thực tế là nhân tài cái thế nước ta, từ xa xưa đã bị cái ông con giời (thiên triều) phương Bắc vắt kiệt từ bao đời rồi. Làm thân phận dân tộc nhược tiểu có muốn vươn lên bằng thiên hạ thật thiên nan vạn nan. Từ thời nhà Tần, tuy thống nhất được Trung Nguyên. Nhưng vẫn bị rợ Hung-nô quấy rối, Tần Thuỷ Hoàng đã phải xây Vạn Lý Trường Thành bảo vệ bờ cõi mà vẫn chưa yên. An Dương Vương nước Âu Lạc thời đó đã phải cống nộp dũng tướng Lý Thân và biết bao dũng sĩ ưu tú khác của đất nước để sang bảo vệ thiên triều. Rồi trung bình cứ từ một tới ba năm một lễ tuế cống vật như trâu, voi, sơn hào hải vị, lâm thổ sản qúi. Đặc biệt còn cả cống người như: thầy bói, tăng sĩ, võ sĩ, thợ mộc, thợ nề, thợ thủ công giỏi... (11) Với cái lối quan hệ "thông hiếu" với nước lớn như thế, tinh hoa, kinh tài nước ta đã mòn mỏi không biết bao nhiêu, để tô đẹp cho diện mạo lẫy lừng của phương Bắc. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã nói nhiều về đợt vơ vét trống đồng, biểu tượng của văn minh tộc Việt thời Lĩnh Nam, rồi tịch thu, đốt tiêu huỷ trên qui mô cả nước toàn bộ các văn tự Khoa Đẩu (chữ Việt Cổ), đập phá các văn tự (Khoa Đẩu) trên đá.... của Mã Viện sau khi đánh dẹp được triều đại vua Trưng, nhằm Hán hoá toàn diện xứ Giao Chỉ. (12) Đợt phá bia đốt và tịch thu sách qúi (chữ Hán) được thực hiện với qui mô rất lớn vào đầu TK 15 (1407-1427) bởi tên Trương Phụ nhà Minh. Trong 20 năm cai trị nước ta, giặc Minh đã phá huỷ hoàn toàn Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí của Đại Việt. (13) Không những thế, Trương Phụ còn dụng công đánh tráo rất nhiều cuốn phổ qúi ở các đền, miếu, đình và chùa chiền thờ các vị anh hùng có công với nước... bằng các cuốn phổ giả nhằm làm cho hậu thế hiểu sai lệch về công nghiệp của tổ tiên. Tháng 6/1407, quân Minh chiếm cửa biển Kỳ La, châu Nhật Nam (cửa Lân, huyện Kỳ Anh, Thanh Hoa tức Hà Tĩnh ngày nay). Hồ Quí Ly, Hồ Hán Thương và toàn gia bị Liễu Thăng bắt sống (14). Trương Phụ cho lệnh Liễu Thăng giải Quí Ly và gia quyến về Kim Lăng. Chu Lệ làm lễ đón nhận tù binh. Nhốt bọn Quí Ly vào ngục. Có tin giết đi. Lại cũng có tin được tha, nhờ con là Hồ Nguyên Trừng dâng cách chế súng thần công. (15)
Blog gocomay: http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=352
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét