Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

"Chúng tôi đi trên dây, nhưng không có cây thăng bằng"

Vật lộn với một đống phím và cái màn hình để tìm bài viết về bố đăng trên báo Lao động. May mà khuyu rồi, mạng ít người vào chứ không ngồi chờ máy tính tìm thì đến phát điên. Và cũng may là mình bị đi đày 3 tháng (trốn 2 tuần còn 2 tháng rưỡi!!!) nên mới có thời gian làm cái trò mất thì giờ và sức lực này. Ngày mai, Tây nó làm việc từ 9h30 nên mình có thể dạy muộn. Tuy nhiên bao giờ chuông báo thức cũng đặt  6h (ở nhà chăm chỉ hơn, do có 3 chị kèm nên dạy sớm, báo thức để 5h30, sang đây buông thả 1 tí, hehe). Bài này viết cũng hay, hay hơn bài "ngài...", lại có cả ảnh của tác giả.  Trông đồng chí "Cẩm Nhi" nghiêm túc quá Hí Hí... hơn cả đảng ủy viên BV- đồng chí nhà báo quên không nêu cái chức này- cũng bận bịu và to phết đấy chứ. Không biết đồng chí dạo này sức khỏe thế nào sau vụ mổ sỏi thận? có còn đi nhậu được nữa không?
Mang cái này về khoe với bố mẹ, kiếm bữa liên hoan, hỉ?



"Chúng tôi đi trên dây, nhưng không có cây thăng bằng"



Nhà báo Trịnh Cẩm Nhi
Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành gây mê hồi sức VN. Người trong 40 năm lăn lộn cho một chuyên ngành mà nếu tính đơn giản mỗi ngày tiến hành hai ca thì ông đã đưa ngót 30.000 người bệnh vào một giấc ngủ sâu rồi đánh thức họ dậy trả lại cho cuộc sống, với một cơ thể lành mạnh. Có người đã từng nói hình như ông có cây đũa thần trong tay. Vậy mà tôi biết ông vẫn có bao nỗi băn khoăn nhọc nhằn ngay trong những thành quả lao động của mình.
Tiếp tôi trong căn phòng toàn màu trắng, ngay cả luồng khí mát từ chiếc điều hoà cổ lỗ ở phòng ông, tôi cũng cảm thấy trắng lặng. Mệt mỏi sau một ngày lao động, ông cầm ly nước trắng mời tôi cùng uống, bảo: "Nước tinh khiết làm cho mình tinh khiết hơn". Rồi chẳng nhìn tôi, ông như tự nói với chính mình: "Đôi khi người ta phải có những quyết định xé lòng...".

´ Với công việc của mình, tôi biết, ông được cả giới BS phẫu thuật nhờ cậy, được có cái hạnh phúc khi trả lại bệnh nhân về cho gia đình là biết bao cặp mắt biết ơn..., đáng ra ông là người có nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc?
- Hạnh phúc trong công việc phải có chứ, nếu không làm sao chúng tôi vượt qua được muôn vàn biến cố để phục hồi cho bệnh nhân sau mổ. Anh phải biết có những trường hợp ngay cả BS phẫu thuật cũng vô vọng sau cuộc mổ, gia đình đã chuẩn bị cho "hậu sự", vậy mà chúng tôi đã phục sinh cho người bệnh và... khi ra viện, bệnh nhân chỉ nhớ đến công lao người mổ cho mình... Công việc của chúng tôi lặng lẽ, ít chia sẻ được với ai.



PGS Chu Mạnh Khoa
´ Vậy còn những quyết định xé lòng?
- Nửa tiếng trước, tôi buộc phải ký quyết định kỷ luật một cô y tá giỏi của khoa mình vì một sơ xuất nhỏ không đáng có trong nghề nghiệp khiến người nhà bệnh nhân nổi nóng - một việc thường gặp - và họ đòi đưa lên báo chí, công luận. Anh biết rồi, bây giờ kỷ luật không chỉ là viết kiểm điểm, mà thu nhập vốn khiêm tốn của cô y tá đó bị giảm sút, vì không còn thưởng, không còn những phụ phí tối thiểu trong tháng... Nhân viên trong BV hiện đang phải sống với rất nhiều áp lực, trong đó có áp lực của báo chí. Nghề nào thì cũng có những rủi ro, những tai nạn nghề nghiệp riêng. Nhưng rõ ràng trong ngành y, những tai nạn nghề nghiệp phải trả giá đắt hơn cả. Chắc anh còn nhớ "sự kiện" quên gạc trong ổ bụng bệnh nhân mới đây ở Việt Đức. Tất nhiên đây là một sai sót đáng tiếc nhưng không phải hiếm gặp. Và hậu quả của nó thật đáng buồn cho cả hai phía, bác sĩ và bệnh nhân. Tôi tin là phải vài tháng nữa vị BS chủ nhiệm một khoa lớn của chúng tôi mới lấy lại được thăng bằng để tiếp tục công việc. Anh ấy đã cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân. Nhưng chỉ một cú vấp ngã là hầu như phải bắt đầu lại từ con số 0. Ngành y chúng tôi quả là nhiều bi hài kịch. Tôi đã từng thức trắng để cấp cứu cho một bệnh nhân trong một vụ trọng án, cứu sống anh ta để... một tháng sau con người ấy nhận mức án tử hình.
Nhưng để tránh đến mức tối đa những rủi ro, chúng ta phải tìm đến một căn nguyên chủ yếu chứ?
- Có một nguyên nhân lớn nhất, đó là sự quá tải của BV chúng tôi. Nó đã gây nên một sức ép hết sức lớn cho các thầy thuốc. Anh có biết hiện nay Việt Đức có 18 bàn mổ. Tức là đã tăng 8 bàn so với trước. Về mặt nguyên tắc mỗi bàn mổ thực hiện 3-4 ca cấp cứu và cũng chừng ấy ca mổ phiên cho một ngày. Nhưng nay chúng tôi phải tiến hành mổ 25 đến 30 ca/ngày. Một con số quá sức tưởng tượng. Tất cả các cấp cứu ngoại khoa đều đổ dồn về Việt Đức. Có người đang ở tận Lạng Sơn, Lào Cai, nghi mình bị ruột thừa cũng chạy thẳng về Việt Đức. Đến nơi thì đã muộn (vỡ) nên không mổ cho họ không được. Mà một bác sĩ gây mê hoặc một bác sĩ phẫu thuật chỉ có thể mổ 2 đến 3 ca/ngày là hết sức, nay số lượng đã tăng lên 2-3 lần. Vậy thử hỏi làm sao chúng tôi đủ tỉnh táo. Chúng tôi như những người đi trên dây, nhưng lại không có cây gậy thăng bằng.

´ Cây gậy thăng bằng như ông nói, phải hiểu thế nào cho đúng?
- Chúng tôi cần một sự trợ giúp khi gặp rủi ro, ví dụ như một hình thức bảo hiểm nghề nghiệp chẳng hạn. Hình thức bảo hiểm này bên phương Tây họ đã có từ lâu. Khi vị bác sĩ của chúng tôi gặp rủi ro trong ca mổ quên gạc như vừa nói, số tiền anh ấy phải trả cho gia đình bệnh nhân là hơn 10.000USD, một con số quá lớn với một bác sĩ lương thiện. Bệnh viện tất nhiên không thể trả thay anh ấy. Nhưng nếu có bảo hiểm nghề nghiệp thì chắc mọi việc sẽ dễ dàng hơn.


PGS Chu Mạnh Khoa, Thầy thuốc Ưu tú:
l Chủ nhiệm khoa Gây mê - Hồi sức, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
l Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức VN.
l  Uỷ viên BCH Hội Hồi sức tăng cường Tây Thái Bình Dương.
ll Uỷ viên BCH Hội Gây mê Châu Á. l Đã công bố 40 công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.


´ 
Chẳng nhẽ không có được một giải pháp hữu hiệu nào để giải toả sự quá tải của một bệnh viện lớn như Việt Đức, theo ông, một mô hình tổ chức như thế nào thì hợp lý?

- Mô hình tổ chức thực ra cũng đã có từ lâu. Ơ nước ta, bao giờ tổ chức chẳng đi trước, nhưng thực thi lại là một câu chuyện khác, nó phụ thuộc nhiều vào xã hội. Việt Đức vốn là một trung tâm hàng đầu về ngoại khoa và chức năng cấp cứu là một chức năng lớn, nhất là hiện nay số tai nạn giao thông nhiều vô kể. Vậy nên người dân ở các nơi đều đổ dồn về đây. Đó là một thực tế đã tồn tại rất lâu. Theo tôi, đã đến lúc phải tách hai chức năng: Điều trị và cấp cứu riêng ra. Cái gì là chính và cái gì là phụ, và phải có biểu giá cho từng loại bệnh. Viện phí cho một ca tai nạn giao thông do đua xe phải gấp 5-7 lần tai nạn lao động chẳng hạn. Hoặc những công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng cho những ca điều trị kỹ thuật cao cũng phải có bồi dưỡng thích đáng cho thầy thuốc. Thêm nữa, một trung tâm mổ xẻ lớn của đất nước mà suốt quanh năm ngày tháng phải lo đối phó với cấp cứu thì thật uổng phí. Chẳng hạn việc ghép gan đáng ra phải là ở Việt - Đức đầu tiên (chứ không phải ở các bệnh viện khác), vì từ đây kinh nghiệm mổ gan mà cố GS Tôn Thất Tùng xây dựng là phong phú nhất, kỹ thuật hoàn hảo nhất. Nhưng chỉ quần quật làm cấp cứu đã kiệt sức, thì chúng tôi làm sao có đủ thời gian để lo cho công tác nghiên cứu dài hơi.

´ Ông luôn đi giữa đường biên mong manh của sự sống và cái chết, trở lại câu nói khi nãy của ông, rằng nghề ông có lắm bi hài kịch, vậy có khi nào ông nản chí khi hết lòng cho một việc mà rồi rút cuộc lại nhận một điều phi lý, như câu chuyện người lãnh án tử hình của ông chẳng hạn?
- Sự tự trọng của nghề nghiệp giúp chúng tôi không cần phân biệt mình đang cứu chữa ai, họ là ai. Nhưng thực ra nếu có một điều gì gọi là phi lý như anh vừa nói, thì nó lại nằm ở phạm trù khác, đó là: Tôi không quan tâm đến nhân thân người bệnh mà luôn phải quan tâm đến chất lượng sống của người bệnh sau khi được chữa trị. Tôi xin kể một thí dụ ngay trong nhà mình: "Hơn 10 năm trước, tôi có người anh họ con ông bác bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não nặng. Bằng hết khả năng của mình, tôi đã cứu anh ấy qua khỏi cơn nguy kịch. Và ngay ngày đó tôi đã nói với bác tôi rằng: "Không biết cháu có mang lại hạnh phúc cho gia đình bác không?", vì tôi đã lường trước cuộc sống tiếp theo của anh ta như thế nào. Hơn 10 năm nay, anh ấy sống một đời sống thực vật, hoàn toàn không còn tri giác. Đến tuổi này, quả thật có những điều phi lý luôn ám ảnh mình. Vậy nên tôi nghĩ những đạo luật về cái chết êm dịu hoặc quyền được chết đã có ở một vài nước và cũng bắt đầu cần được đề cập ở xã hội ta. Nó chính là điều "phi lý cần thiết" ở cuộc đời này. Vì tất cả chúng ta đều hữu hạn, nên chúng ta cần phải biết thua cuộc khi nhìn trước thấy có những chiến thắng chẳng còn ý nghĩa gì.

Tôi chợt nhìn thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt vốn bình thản của ông và vỡ lẽ ra một điều rằng: Với cái "nghiệp" rất "nặng căn" của ông thì chẳng còn lý thuyết nào ở cuộc đời này là tuyệt đối. Ông luôn phải đứng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sống và chết, giữa ý nghĩa lớn lao của sinh sôi và sự phi lý của lụi tàn. Và hình như chỉ có một lý thuyết không thành văn đủ giúp ông bước qua được phải trái, qua được nỗi đau trần gian, đó là lý thuyết của lòng nhân ái mà như ông đã có lần tâm sự; đó là tài sản là vốn liếng lớn nhất mà cụ thân sinh ra ông - một giáo sư đầu ngành Nhi khoa VN thế hệ trước, giáo sư Chu Tường - đã trang bị cho ông.


 LĐ số 189 Ngày 10.07.2005

http://www1.laodong.com.vn/pls/bld/display$.htnoidung(39,134036) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét