Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Nhớ đến 2 con gái- thương xót cho thế hệ trẻ

Ngày xưa, hồi mới vào lớp 1, mình nhớ mẹ dắt tay đi (bố đi công tác mà), ngơ ngơ, ngác ngác. Trường Trưng Vương rộng rãi, rợp bóng cây. Các anh chị xếp hàng sẵn, chỉnh tề, quần xanh áo trắng, có đội nghi thức trống kèn tùng tùng rất oách. Học buổi sáng, buổi chiều chơi với bọn trẻ con trong xóm. Đủ trò: quay, xèng, bi, phốc...lớn 1 chút thì đá bóng đá cầu...nhưng ko phải học thêm học nếm gì cả. Tôi chỉ phải đi học vẽ ở cung thiếu nhi thôi, 2 buổi 1 tuần, mà thực chất thì cũng là chơi suốt. Hà nội không đông đúc như bây giờ. Tôi tự đi học và tự về nhà, thỉnh thoảng cũng tạt ngang ở vườn hoa con Cóc , hay vườn hoa Canh nông, có 1 cái chuồng công rất to-hiện nay là chỗ 9x 10x nhảy hip hop ấy. Tôi hay chọn đường qua Bờ Hồ vì được thơ thẩn xem các anh lớn câu tôm, xem nhảy tàu điện một cách thán phục. Sau này phải đến đầu cấp 2 tôi mới dám nhảy tàu điện. Nhảy lên, đi một đoạn, khi thấy bác bán vé cầm cái cặp da to là lại phải nhảy xuống ngay vì không có vé, không có tiền...Giờ ra chơi, quả thật là ngày hội. Chúng tôi chạy, chơi sauver, trêu bọn con gái, đá bóng, đá cầu....lớp học thường không có ai ở lại. Nếu có ai phải ở lại, sẽ được hỏi ốm à... Đi học về, chúng tôi đứa nào cũng quần áo lôi thôi, bẩn thỉu, mồ hôi nhế nhại, mực ra đầy tay chân mặt mũi. Bây giờ, khi các con đi học, tôi thường hỏi chúng nó ra chơi bọn con làm gì? con chẳng làm gì cả, con nói chuyện với các ban... thế có buồn không. Các con không có thói quen chạy nhảy chơi đùa. Không còn nhảy dây nhảy ngựa, chơi đồ, chơi chuyền hay ô ăn quan nữa...bọn con nói chuyện trao đổi. Khi chọn trường cho con, 2 vợ chồng cùng đi xem cẩn thận. Ngoài những tiêu chuẩn của thời đại ra ví dụ : trường điểm, thày cô giáo tốt, bàn ghế tốt, lớp học không đông ... tôi còn có ý tìm trường rộng rãi cho các con có điều kiện chạy nhảy (nhà quá chật hẹp mà). Cuối cùng thì các con cũng không có thói quen vận động ít nhất như tôi mong đợi. Về nhà thì chỉ học học...
Họp lớp đại học, bọn tôi kêu rinh củ tỏi: thương các con quá... ngày xưa thế này thế nọ.... Tôi có đứa bạn , thẽ thọt: mày nghĩ lại xem, thời mình thi đại học, có câu: Nhất Y, nhì Dược... dốt thì đi Sư phạm. Và bây giờ cái bọn mình bảo là dốt đấy, nó đang là vụ phó, trưởng phòng, hiệu trưởng... và chính chúng nó đang ươm trồng cho tương lai của đất nước đấy, kêu nữa hay thôi???Nghe mà đau đớn, không cãi được câu nào...Buồn .Cũng chỉ biết khuyên con cố gắng, đừng bị điểm xấu vì cẩu thả, đừng nói dối bố mẹ (khó đấy nhé!!) không hiểu chỗ nào bố giảng cho (còn mẹ thì- nhiều trường hợp- móm- ko biết làm thế nào). Không ép con học. Nhưng nói thật, khi con thi được điểm không tốt, mũi cũng cay cay...Tìm được bài viết, hay, trên mạng,  bài  của  Mỹ Linh (chắc thế) trong trang "chuyện linh tinh", nói đúng những suy nghĩ của mình trừ chuyện vào trường bác Đại. Mình không dám mang con vào thử nghiệm.
(copy ra đây nhưng cũng đã nói rõ nguồn rồi nhé)


GIÁO DỤC THẾ NÀY Ư?

Ngày ấy, khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường, lòng rộn ràng khó tả, thế là tôi sắp được học cái chữ rồi. Cô giáo dạy tôi từng chữ cái, giúp tôi đánh vần từng từ, từng câu, nắn nót cho tôi từng nét chữ. Và lúc nghỉ giải lao, tôi cùng các bạn vi vu leo lên bãi cát trắng sau trường trượt dốc hay trèo lên những cây dương chơi trò ú tìm. Đó là những khoảng thời gian tôi lớn lên trong sự vô tư và hồn nhiên, tự do sáng tạo của tuổi thơ…cứ thế, tuổi thơ của tôi qua đi lặng lẽ và bình yên. Nữa ngày cắp sách đến trường, nữa ngày chơi và phụ giúp ba mẹ việc nào đó, tôi không biết thế nào là bài tập ở nhà, cũng không biết thế nào là học thêm. Mãi đến những năm cuối cấp 3, tôi mới bắt đầu ôm những bộ đề thi đại học ôn luyện đêm ngày cùng những buổi học thêm ở nhà cô giáo.

Và ngày nay, đứa cháu trai của tôi mới được 5 tuổi, ba mẹ cháu đã phải vất vả tìm cô giáo dạy chữ, miệt mài học tập. Dù chưa đến tuổi học lớp 1 nhưng cháu tôi đã đọc viết thành thạo, làm toán trơn tru. Cả năm nay, bố cháu chạy vạy ngược xuôi tìm trường điểm cho con đi học cho bằng bạn bằng bè. Đúng 6 tuổi, cháu tôi cũng cắp sách đến trường với nổi lo lắng đè nặng lên tâm hồn trẻ thơ rằng cố gắng kiếm thật nhiều điểm 10, con nhé! Đúng 6 tuổi, cháu tôi chả cần phải học cái chữ, đọc con số mà phải làm bài tập ở những quyển sách toán cao cấp nhằm nâng cao trình độ của học sinh. Và đúng 6 tuổi, cháu tôi đi học suốt cả ngày, tối về vừa kịp ăn cơm tối xong lại leo lên bàn làm bài tập được giao cho đến giờ đi ngủ.
Mỗi lần về quê là thời gian vui chơi của chúng tôi dành cho các cháu nhưng vì học mà cháu hầu như không có thời gian chơi với các bác nữa. Thương cho đứa cháu non nớt còn mùi sữa mẹ, một tâm hồn trong sáng chứa đựng biết bao sự tò mò về cuộc sống mà cháu chưa hề biết, vậy mà đã sớm bị vùi dập bởi những trang bài tập dày cộm, bởi thành tích điểm 10 mà bố mẹ đặt ra. Cháu tôi – vẫn tính tò mò của tuổi thơ, chưa hiểu thế nào là kỷ luật, là nguyên tắc trong lớp học – thỉnh thoảng hồn nhiên với cái tính trẻ con của mình, vui đùa, nói nói, cười cười vô tư lự với bạn bè và điều đó cháu phải đứng lên góc lớp, bị cô giáo phê bình, mắng mỏ.  Về nhà, bố mẹ quát tháo vì bị điểm kém, vì bị cô giáo phạt do không ngoan và một điều nữa vì cái tội nói dối bố mẹ. Cháu tôi, còn nhỏ quá, chẳng thế biết  học như thế nào là tốt, là đúng mà chỉ biết phải cố gắng học để có nhiều điểm 10 là giỏi. Được bố mẹ nhắc nhở, căn dặn là phải cố gắng học tốt nhe con, nghe lời cô giáo nhe con, chăm chỉ, ngoan  ngoãn nhe con! Và không may hôm nào điểm kém hoặc bị cô giáo phạt, cháu tôi nơm nớp lo sợ bố mẹ biết được sẽ đánh, sẽ quát tháo ầm ĩ và sẽ phạt thêm lần nữa. Từ đó, sau mỗi ngày học ở trường, về nhà mẹ hỏi hôm nay được bao nhiêu điểm hả con? Cháu im lặng giả vờ không nghe thấy hoặc cháu tìm một lý do nào đó rằng hôm nay cô giáo không chấm điểm. Thực lòng, bố mẹ nào cũng xót xa cho con mình khi đang ở tuổi ăn tuổi chơi mà đã bị vùi đầu vào đóng sách vỡ đồ sộ  nhưng ai cũng nghĩ phong trào học trước, học thêm rầm rộ như thế, nếu không cho con đi học thì thiệt thòi cho con, tội nghiệp con khi thua bạn thua bè, dể mất niềm tin, trở nên rụt rè. Mỗi tuần có 2 ngày nghỉ, cô giáo cũng mở lớp học thêm ở nhà, nếu đi học thì dể có nhiều điểm 10 hơn, cô giáo quan tâm, ưu ái hơn. Vậy là các phụ huynh cứ theo phong trào ấy mà bắt con em của mình phải học.
Hôm ấy, tôi vinh dự được học cùng cháu, giúp cháu giải toán lớp 1. Cầm quyển sách toán nâng cao dành cho lớp 1, tôi choáng váng. Chương trình lớp 1 mà thế này ư? Nó khác gì đánh đố các cháu chứ? Các cháu mới đi học lớp 1 chính thức 2 tháng, lẽ ra thời điểm này các cháu chỉ bắt đầu biết bảng chữ cái ABC, bắt đầu biết đánh vần, biết đếm số…còn tất cả thời gian khác các cháu được tự do phát triển khả năng tư duy và sáng tạo của mình. Vậy mà các cháu phải học và giải những bài toán cao cấp tương đương với trình độ lớp 4-lớp 5, giải theo kiểu suy luận mà không có phương pháp cụ thể nào. Thử hỏi một đứa trẻ mới 6 tuổi chỉ biết ăn chơi, mọi thứ trước mặt còn mới mẻ, xa lạ thì tư duy thế nào để giải được những bài toán cao cấp ấy chứ? Chao ôi, tôi đau lòng xoa đầu cháu nói “giá mà cháu ở Hà Nội, bác sẽ cho cháu học ở trường bác Hồ Ngọc Đại. Ở đó cháu sẽ không phải nghĩ đến thành tích điểm 10 nữa, ở đó cháu không phải vất vả suốt ngày học và làm bài tập thế này nữa.
Như nhiều phụ huynh khác nhận xét về trường thực nghiệm của bác Hồ Ngọc Đại:
Điểm nổi bật của công nghệ giáo dục là chú trọng rèn luyện tư duy cho học sinh, dạy các cháu kiến thức chủ động (chứ không thụ động), biết phân tích tổng hợp, tự tìm hiểu các sự vật và hiện tượng thường gặp. Khi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm phân tích: dạy 3+2=5, hoặc 10-7=3, đó chưa phải là kiến thức cơ bản, kiến thức cơ bản là các em hiểu được ý nghĩa của phép cộng, phép trừ. Do đó, các cháu biết nhìn tổng quát vấn đề, nắm kiến thức khá vững. Trẻ con ở nhà gặp điều gì cũng hỏi người lớn: Ông ơi, tại sao que diêm đánh vào bên bao lại đỏ? Tại sao bật lửa bấm lại cháy? Cháu không chỉ đọc báo Nhi đồng mà còn đọc nhiều loại báo khác. Các buổi thời sự trên truyền hình, cháu đều chăm chú xem, điều gì không hiểu cháu lại hỏi: Mẹ ởi giáo chủ là gì? Nhân văn là gì? Đồng bào là gì?… Mẹ cháu phải mua bộ Bách khoa toàn thư về để tìm hiểu và trả lời cho cháu. (Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống tháng 10-2001)
Cháu tôi – một đứa trẻ thông minh- rất tò mò và tư duy tốt, đang dần dần biết cách nói dối, đang dần dần đánh mất tính chủ động của bản thân, đang sống và học như một con robot đã lập sẵn chương trình. Tôi không hiểu nền giáo dục Việt Nam hiện nay là như thế nào nữa? Giáo dục là dạy dỗ con em chúng ta biết cách trở thành một con người có ích cho xã hội hay nói đúng hơn là dạy cách làm sao để đến khi trưởng thành các em tự biết cách đối mặt với cuộc sống thực tế của mình theo hướng tích cực? hay là dạy các em trở thành những con người cứng nhắc, thụ động, đánh mất khả năng tư duy,  khả năng nhạy bén và xử lý trước mọi tình huống.
Hôm nay, ngày 20/11 bố mẹ cháu chắc đã chuẩn bị sẵn phong bì để đến thăm cô giáo. Mà nếu chưa thì hôm qua cháu cũng đã nhắc khéo bố mẹ làm điều đó. Thế đấy, một đứa trẻ mới 6 tuổi, có thể chưa biết gì về cuộc sống thật nhưng cháu đã biết “phong bì” là gì rồi. Nghe tôi nói về trường thực nghiệp của bác Hồ Ngọc Đại, cháu buồn hiu và hỏi lại tôi “Có thật trên Hà Nội có trường dạy trẻ con rằng cháu thích học gì thì để cháu phát triển khả năng ấy phải không bác? mà không cần chấm điểm 10?”. Mới đi học vài tháng mà cháu tôi đã thay đổi nhiều, tôi cứ tưởng cháu sẽ tốt hơn, thông minh hơn, giỏi hơn nhưng kết quả tôi thấy cháu  đã biết cách nói dối người lớn, lo sợ khi bị điểm kém, không còn thời gian chơi với em, xem phim hoạt hình nữa.
Rồi mai đây, khi những đứa trẻ lớn lên, chúng nhìn lại quá khứ, lấy tay vỗ ngực hỏi “Tuổi thơ của tôi đâu? Ai đã đánh cắp đi tuổi thơ của tôi?”. Có phải đó chính là nền giáo dục hiện tại không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét