Qua báo chí, nhất là VNN, biết được vụ án "buồn cười" và vô lý nhất trên đời này. Muốn viết cái gì đó để bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngước lên, đã thấy 2 nhà văn to đùng có lời vàng ngọc... mà lại đúng ý mình quá cơ.
Cách đây lâu lâu, khi nhìn thấy báo chí đưa tin, tôi vẫn nghĩ là vớ vẩn, rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi, chắc là có chỗ nào đó thiếu sót... nhưng rồi, sự việc ko đơn giản như tôi nghĩ, như tôi mong đợi. Chỉ mong, khi có ý kiến của ĐT. L.H.Anh BT Bộ Công An, Thủ tướng N.T.Dũng thì công lý mới được thi hành. Chỉ mong, cuối cùng ai đó phải xin lỗi anh hùng lao động TKĐM Trần Ngọc Sương, dẫu rằng sau khi đày đoạ bà như thế, xin lỗi là chẳng bao giờ đủ...
Họ không biết tôn trọng đạo lý và không muốn bảo vệ chế độ?
Hồ Bất Khuất (blog Nghệ nhân huyện Quỳnh)http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho/article?mid=1863
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEguT_a3K3Vo1l0ViJ25NeG7vTXPfnGaFzwrJ0pawM_ICZRcqcYi778vZsNJLyi3mabar6rde-AYgia9XFZhWjC1XpBD0rBwuh-E_ZbYpqyh1ZIzZUzlkp1iSI8EdgTz39kNjkwkTPAOef4/s320/images1871824_ngocsuong.jpg)
Nông trường Sông Hậu đến nay vẫn là 100% vốn Nhà nước"(...) "những gì có được là tài sản Nhà nước" (...) "không chấp nhận những lời biện bạch của các bị cáo không chấp hành các quy định quản lý kinh tế do Nhà nước quy định" (...) "không chấp nhận việc các bị cáo khai sử dụng nguồn quỹ này qua ý kiến của ban chấp hành công đoàn" (...) "những người có công tạo ra của cải vật chất cho nông trường đã được hưởng lương và được khen thưởng" (...) "hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước" (...) "trong các báo cáo tài chính hằng năm của nông trường không có bất kỳ kiến nghị gì với các cơ quan cấp trên trong việc giúp đỡ những khó khăn của nông trường"...
Một số bài báo cho rằng, đây là những lời đanh thép, tôi thì lại thấy những lời này khuôn sáo, mù mờ, vô hồn, vô cảm... Chữ “Nhà nước” được nhắc lại nhiều lần, dường như là chỗ dựa duy nhất cho những lời buộc tội vu vơ. “Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước...”. Xin hỏi: Nhà nước thiệt hại ở chỗ nào, khi từ một vùng sình lầy hoang vắng biến thành một cơ sở kinh tế - xã hội tầm cỡ như Nông trường sông Hậu? Cái số tiền mấy tỷ đồng dùng để đi nước ngoài phải được xem như là một loại đầu tư, vì rất có thể, không có những chuyến đi đó, Nông trường sông Hậu đã không có được cơ ngơi như ngày nay.
Hơn nữa, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng chứng minh "chỉ riêng tổng tiền xuất nhập khẩu lúa gạo, phân bón ở Nông trường sông Hậu từ 1998-2003 đã là hơn 192 triệu USD. Theo quy định của Bộ Tài chính, 3% số tiền trên được phép chi cho hoa hồng, môi giới... tính ra là hơn 5,7 triệu USD. Được xài số tiền cỡ đó, mà bà Sương chỉ dùng hết hơn 2 tỷ để đi công tác, tôi nghĩ phải khen bà là quá tiết kiệm".
Vậy căn cứ vào đâu, ông Thẩm phán Trinh cho rằng, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước?
Trong việc lãnh đạo và làm kinh tế ở Việt Nam mấy chục năm qua, một số người có trách nhiệm, thông minh, giàu bản lĩnh đã “xé rào” để làm cho dân đỡ khổ hơn. Ví dụ, Bí thư Tỉnh Uỷ Kim Ngọc không chỉ làm sai các quy định về quản lý kinh tế, mà còn làm trái cả chủ trương, đường lối, nghị quyết. Ông đã dám thực hiện khoán hộ và chấp nhận án kỷ luật chỉ vì muốn người dân của tỉnh ông đỡ đói. Sau này, việc làm của ông đã trở thành cơ sở để thực hiện khoán trong nông nghiệp, mang tới sự no đủ như ngày nay. Việc làm dũng cảm của ông đã được ghi nhận và tôn vinh: ông đã được truy tặng huân chương cao quý cảu đất nước, một đường phố ở thành phố quê hương đã mang tên ông.
Còn việc làm của bà Ba Sương đơn giản và sáng rõ hơn nhiều. Bà cũng được tôn vinh ngay khi đang còn sống. Ấy thế mà bây giờ người ta lại muốn sổ toẹt vào sự tôn vinh ấy.
Trong vụ án Nông trường sông Hậu, Luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng vụ án “Lập quỹ trái phép” mà tòa án đang xét xử thì hồ sơ vụ án hoàn toàn không có các quyết định phân công Phó thủ trưởng cơ quan điều tra chỉ đạo điều tra vụ án; không có quyết định phân công cho các điều tra viên nhiệm vụ điều tra vụ án. Mặt khác hồ sơ vụ án cũng không có quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “Lập quỹ trái phép”".
Vì vậy, theo luật sư Thành, theo quy định của điều 34, 35, 36 và 37 của Bộ Luật Tố tụng hình sự thì hoạt động điều tra, truy tố là bất hợp pháp. Luật sư Nguyễn Trường Thành còn dẫn ra hàng loạt dấu hiệu khác mà ông cho rằng đã vi phạm luật tố tụng hình sự trong quá trình điều tra vụ án "Lập quỹ trái phép" tại Nông trường sông Hậu. Cụ thể, ông Thành cho rằng việc đưa Nông trường sông Hậu là nguyên đơn dân sự của vụ án vào quy trình tố tụng, đặc biệt chỉ trước 4 ngày khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, chứ không phải từ trong giai đoạn điều tra, là vi phạm điều 52 luật tố tụng hình sự.
Nếu những ý kiến của luật sư là đúng, tôi rất thất vọng về phiên toà vừa qua. Người đứng dưới Quốc huy, lớn tiếng tuyên bố nhân danh công lý, nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lại vi phạm luật tố tụng hình sự thì còn gì để nói nữa?! Những điều luật sư đã nói giữa phiên toà, cần phải được làm rõ đúng sai. Ở hai phiên toà cấp địa phương (toà án huyện và thành phố), vấn đề này đã bị lờ đi, thì cấp trung ương (Toà án Tối cao) phải làm sáng tỏ điều này. Nếu không, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (cơ quan lập pháp có quyền lực cao nhất) phải vào cuộc để giải toả mọi nghi vấn của công luận.
Bà Trần Ngọc Sương có ít nhất là hai cơ hội nữa để đưa sự việc ra công luận, bảo vệ quá khứ oanh liệt của mình và gia đình mình. Thứ nhất, đó là Toà án Tối cao sẽ thụ lý phiên toà. Thứ hai, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sẽ đảm trách việc này. Hy vọng ở những cấp đấy, mọi việc sẽ được gọi tên.
Thật ra, chúng ta phải làm rõ ràng việc này vì đạo lý của dân tộc và để củng cố niềm tin vào chế độ. Còn với bà Ba Sương, bà chẳng cần gì nữa. Dù người ta có cố tình bôi bẩn, bà vẫn trong sáng. Bằng việc cống hiến cả cuộc đời mình cho Nông trường sông Hậu, cuối đời vẫn phải đi ở nhờ, đã chứng tỏ sự vô tư của bà. Rồi có tới 110 người ký đơn xin tù thay cho bà, như vậy đủ biết bà được kính trọng, yêu thương cỡ nào.
Có một điều khó hiểu là tại sao toà án ở Cần Thơ lại hăng hái và kiên trì buộc tội bà Trần Ngọc Sương đến thế? Để bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp thì không phải rồi, để hạ uy tín của bà và kiểm soát Nông trường sông Hậu cũng không đúng nốt, vì bà Sương đã về hưu. Ước gì biết được mục đích đích thực của những người muốn buộc tội bà Sương, phải chăng vì lòng tự ái vặt vãnh? Nhưng dù sao cách làm này cũng hèn hèn thế nào ấy, vì phải chờ khi bà về hưu rồi mới khởi tố, mới kết tội. Tại sao không làm những việc này khi bà Sương còn là Giám đốc?
Suy từ lời nói của người bạn tôi là thẩm phán Toà án Tối cao thì các quan toà ở Cần Thơ không biết tôn trọng đạo lý và không muốn bảo vệ chế độ. Nhưng nhiều người trong chúng ta muốn điều này chứ?
Chúng ta vẫn còn cơ hội, chỉ cần chúng ta trung thực và không hèn nhát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét