Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Ngài...SOS

Bài này có cái đề hơi...ấy! nhưng cứ lấy làm tư liệu vậy. Cẩn thận không bố lại bị quy thành phần "tư sản" đấy, hihi. Nhưng dù sao thì bố cũng là nguyên đảng ủy bệnh viện VD còn gì, chẳng nhẽ các bác điều tra lý lịch nhầm...? Hihi, "ngài" bố cũng có bài báo này....
Còn bài trên báo lao động nữa cơ, chưa tìm được

Ngài... SOS !

Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn, tóc đốm bạc và trông không lấy gì làm viên mãn lắm về danh vọng. Quanh gian phòng làm việc rộng cỡ 20m2 của ông, chồng chất từ điển và giấy má. Ông nói chậm, giọng trầm, trong câu chuyện chỉ toàn là hiểm nguy, những tính mạng đang mành treo chuông. Nhưng sau cảm giác rùng mình về những loại bệnh tật oái oăm, người nghe ông nói dễ loé lên một niềm tin mãnh liệt về sự sống, ngay khi tưởng chừng đã vô vọng…
"Đánh nhau" với tử thần
Trong bệnh viện (BV) Việt-Đức không một phẫu thuật viên nào lại không biết đến ông. Có người bảo, ai lại dại như Chu Mạnh Khoa. Giỏi đấy, phó giáo sư (PGS) đấy mà lại chui vào "cái phễu" hứng toàn bệnh nhân nặng nhất để chữa.
Khỏi thì người ta bảo "ấy, phẫu thuật viên tài" mà không cứu được thì dễ tai bay vạ gió.


Tự ngẫm, quanh năm gặp bao chuyện nhiễu nhương, năm hết tết đến chẳng nên nói chuyện bệnh tật làm gì. Nhưng khi vô tình nghe một người đàn ông ở BV Việt-Đức nói rằng: "trên đời chẳng có gì vui bằng tưởng chết mà sống lại". Thế là tôi vội đến chỗ PGS. Chu Mạnh Khoa - nơi đan xen rất nhiều tuyệt vọng và hy vọng.


Một ngày cuối đông, cũng dịp gần tết năm 1996. Trong một căn nhà ấm cúng ở Hà Nội đang diễn ra buổi liên hoan tiễn đưa người chủ gia đình - một thiếu tướng quân đội sang Liên bang Nga làm công việc của một nhà ngoại giao.
Người con là một thương binh, qua bao năm khói lửa chiến trường, anh được trở về với công việc mình yêu thích: làm ở phòng khám BV Bạch Mai.
Tiệc tàn, anh bác sỹ ra đường và đổ gập xuống khi bị một chiếc ôtô tông chính diện. Bị chấn thương sọ não nặng kèm dập não, nhiều đoạn xương gãy vụn…
Những thầy thuốc ở BV Bạch Mai tìm đến "hỏi thăm" và đã thì thào tiếc nuối người đồng nghiệp xấu số.
Ngoại khoa sau khi khám lâm sàng cũng quyết định: không cần chỉ định mổ nữa. Người thường có thể nhận định sai mức độ nghiêm trọng nhưng phải tiếp chính những bác sỹ đầu ngành đến "chia tay" con mình, vị thiếu tướng kia ngồi bệt xuống sàn nhà, bất động.
Rồi con ông được chuyển đến phòng Hồi sức tích cực của PGS. Khoa. Nhìn ông bác sỹ nhỏ thó căn dặn: "bình tĩnh và… cứ yên tâm!", vị tướng già đã thở dài đánh sượt.
Thế nhưng mấy ngày sau, ông cảm nhận được từ người đàn ông nhỏ bé kia chút ánh sáng sự sống của con mình. Và trong một buổi tối, ông thiếu tướng tưởng nghẹn thở khi con trai chợt u ơ rồi… mở mắt. 6 tháng sau, không những hồi phục mà anh bác sỹ kia đã có thể quay lại làm việc như cũ - điều rất khó đối với những người bị chấn thương sọ não nặng.
Ngồi nghe tôi kể câu chuyện lượm lặt được từ những người biết ông, PGS. Khoa chỉ cười, ông bổ sung, đính chính rồi kết luận: "chuyện ấy ở chỗ tôi là thường thôi". ông giải thích, hồi sức là nghề giữ các chức năng sống của con người. Sau khi đã được chữa đủ cách, rồi mổ xẻ; lúc người bệnh rơi vào ranh giới mong manh nhất giữa sự sống và cái chết thì: "chúng tôi có nghĩa vụ phải đón lấy".
Đang làm Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức, phụ trách phòng Hồi sức tích cực - "ông trùm" ở tuyến đầu đối mặt với thần chết nhưng PGS. Chu Mạnh Khoa tủm tỉm nói với tôi: "ấy thế mà trước tôi kinh ma và sợ đám tang lắm".
Trên chục tuổi đầu nhưng cậu bé Khoa ngày xưa, ngay trong đám tang cụ nội, cứ đến lúc phải vào gần linh cữu là mắt trước mắt sau đã lỉnh mất.
Khi tốt nghiệp phổ thông, Đại học Bách khoa là ước mơ của Khoa với ý nghĩ: "làm nghề liên quan đến máy móc cho nó mạnh mẽ". Thế rồi số phận run rủi ông vào ngành y. Năm đầu, khi vào phòng giải phẫu, trước mắt là tim, gan, phổi đỏ loè (được gọi văn hoa là "bệnh phẩm") cùng những xác người tẩm phoóc-môn trắng loá chi chít vết dao, hàm răng không còn sức cơ kéo cứ nhe ra, "chân tay tớ cứ bủn rủn hết cả, mắt nổ đom đóm" - PGS. Khoa kể lại.
Nhưng Khoa dần hiểu ra một nguyên lý: muốn giỏi nghề phải "hỏi han" những người đã không thắng nổi bệnh tật.
Lâu dần thành quen, cứ mỗi khi điều trị không kết quả, Khoa lại tìm xuống nhà xác. Câu trả lời ở đó nên trong lúc nhiều sinh viên tìm cách thoái thác thì Khoa lại tranh thủ: "để tớ thaycho".


Nhiều đêm chủ nhật, dưới ánh đèn leo lét, một mình ông vẫn lần xuống nhà xác cặm cụi giữa bốn bên là hàng chục chiếc băng ca… lùm lùm vải trắng. Thế rồi ra trường, sau gần chục năm làm ở BV Việt-Tiệp (Hải Phòng), ông Khoa được GS. Tôn Thất Tùng mời về BV Việt-Đức "gác cửa tử" cho đến nay.
Nghề nghiệp bắt PGS. Khoa phải chứng kiến rất nhiều kiểu "ra đi". Ông bảo, chính nó đã ám ảnh và điều chỉnh ông. "Có người sắp chết, ai cũng thương xót, dấm dứt nhưng cũng có kẻ còn bị mong chết sớm hơn". Nay ông không còn sợ ma oán nhưng những điều chiêm nghiệm và chỉ một câu hỏi: "tại sao điều trị không được?" khiến ông cứ lẳng lặng như bản tính vậy.
Chính vì thế, nhiều người thấy lạ vì PGS. Khoa chẳng thiếu việc mà nhiều khi phải dùng mẹo vặt, đi "xin" được chữa bệnh.
Có lần, khi một ông chồng trước cảnh gia đình tốn kém sắp kiệt quệ mà vợ vẫn mong manh bèn đến xin PGS. Khoa cho về. Ông bèn tìm cách nói với con gái họ "mẹ cháu vẫn có thể sống đấy" để giữ được bệnh nhân rồi cứu sống người đàn bà kia thật.
Cũng cách đây chưa lâu, một người phụ nữ ngót 60 tuổi bị tắc mật, nhiễm trùng nặng phải vào chỗ ông. Sau khi mổ lại vẫn viêm, mủ lan ra choán đầy cả ổ bụng. Lúc đó, có đoàn bác sỹ Mỹ sang phẫu thuật nụ cười, sau khi đi thăm và xin chụp chiếc máy thở vì "không biết nó còn" cũng đã phải… lắc đầu!
Nặng đến nỗi, trưởng nam của bà cụ làm ở Bộ y tế, anh con thứ hai làm ở chính BV Việt-Đức cũng tìm đến ông Khoa "xin cụ về cho đỡ đau đớn". Chỉ cần gật đầu, đặt bút ký cái xoẹt là hết trách nhiệm nhưng ông Khoa lấn cấn: "Cậu không thể cướp 20% sống của mẹ cậu được!". 15 phút sau, anh con trai cả trở vào đồng ý để mẹ lại. Và 2 tuần sau, người mẹ anh ta được trở về và sống thêm đến 15 năm nữa!…
Cổ tích thời nay
Lần đầu tiếp xúc với PGS. Chu Mạnh Khoa, người bệnh thường có cảm giác ấm áp vì hầu hết các hy vọng theo ông đều đáng giá.
Người đàn ông này có câu nói đặc trưng rất mạnh mẽ: "trường hợp ấy không thể chết được!". Nếu như với người thường, khi tim đã ngừng đập thì coi như đã "về trời" nhưng PGS. Khoa bảo, việc cho tim ngừng hay đập lại là chuyện… hàng ngày của cán bộ gây mê, hồi sức.
Trong y học, nguyên tắc nếu để tim ngừng quá 5 phút, người bệnh sẽ chết hoặc mất não (có cứu được cũng chỉ sống thực vật) nhưng "thầy" Khoa bảo: vẫn sống. Thậm chí, có người tim không còn đập, đồng tử giãn ra, thân nhiệt xuống, đường đẳng điện não đã âm; gần 10 phút sau ông vẫn cứu được. "Tôi cho tiếp tục hạ thân nhiệt xuống cỡ 35-360 và tiêm thuốc ngủ để não nghỉ!" - PGS. Khoa nói đơn giản thế nhưng ai cũng biết để "ép" được sự sống bừng dậy là cả một quá trình.
Đã có một người mẹ khi chăm con bị tai nạn, thấy đứa trẻ chợt nấc lên, nước mắt ứa ra rồi lịm dần, nhìn lên máy điện tim thẳng băng, ngó xuống thấy mắt con không còn chớp nữa; hình ảnh đứa con gái bé bỏng vừa hớn hở khoe đoạt giải học sinh thanh lịch của trường hiện lên khiến bà hét lên rồi ngất xỉu.
Cứ tỉnh lại, chưa kịp nghe gì, bà lại ngất. Lần thứ 3, PGS. Khoa phải nhìn đăm đăm vào mắt bà, khi nó vừa mở, ông quát: "sống rồi!" mà bà vẫn ngơ ngác, mãi mới vùng dậy...
Chắc khỏi phải nói niềm vui của một người mẹ được đón con về giữa cơn tuyệt vọng tột cùng. Có điều, hầu hết những người được đưa xuống phòng hồi sức tích cực đều đang hôn mê, mắt nhắm nghiền. Khi vừa khoẻ lại là họ phải ra ngay nhường chỗ cho người khác.
Chẳng trách đứa trẻ vừa kể trên không hề biết ai là người vừa vụt xuất hiện cứu sống nó và bà mẹ kia trong buổi liên hoan tha thiết mời các phẫu thuật viên nhưng lại… quên phòng hồi sức.
"Nghề của tôi ở chỗ thắt nút mà" PGS. Khoa cười rất tươi nói với tôi như vậy.
Nhưng gần đây, nghề của ông đã dần được biết đến. "Nhiều người nhà quê không biết nói cảm ơn đâu, nhìn ánh mắt vui sướng của họ là mình biết cả tấm lòng. Đến nay, có bác quê tận Quảng Bình mỗi khi có ai ra Hà Nội lại gửi chúng tôi mấy quả dừa, thế là quý lắm" - PGS. Khoa bảo vậy.
Ông trầm ngâm "bình thường tôi và đồng nghiệp cũng tự thấy vinh quang lắm rồi mỗi khi thấy một gương mặt không bị nghẹo đi, bị lặng lẽ đưa ra khỏi giường bệnh. Lúc đó, ai cũng vui vì: ta đã thắng"!
Trong số 70% số bệnh nhân đã dự đoán: chết!, xuống chỗ PGS. Chu Mạnh Khoa, 30% số ấy đã sống.
"Đó là chức năng của chúng tôi thôi", ông bảo vậy nhưng nhìn những chồng bệnh án, ai cũng hiểu, để có ít cảnh chia lìa, những tiếng khóc tức tưởi bật lên ở phòng hồi sức, điều thúc đẩy ông Khoa không chỉ là hơn một triệu đồng tiền lương mỗi tháng.
Sau những lúc phấn khởi kể về cô tiếp viên hàng không bị suýt bị người nhà buông xuôi cho "cháu nó êm đẹp" nay đã chuẩn bị lập gia đình hay một cậu học sinh chuyên toán Đại học Khoa học tự nhiên bị chấn thương sọ não nặng vẫn quay lại được trường cũ… PGS. Chu Mạnh Khoa vẫn trầm lặng như lúc bắt đầu câu chuyện.
Con người ấy lại ngồi ở căn phòng làm việc có nhịp độ cố hữu như không thể thay đổi: buồn và đơn điệu.
Dù để ý nhưng tôi hầu như không nghe thấy tiếng bước chân lai vãng đến gần trong suốt buổi chiều. Nhưng rất nhiều người biết chính từ căn phòng câm lặng ấy, hàng ngàn gia đình đã thoát khỏi cảnh âm dương cách biệt.
Có lẽ vì thế, dù giữa nơi sự sinh tồn đang mong manh; mọi người đều cố câm lặng nhưng khu hồi sức tích cực không hề lạnh lẽo. Phải chăng bởi tại đây, nhiều đứa con thơ đã giành lại được mẹ, nhiều cô dâu trẻ đã không bị goá chồng… nên những niềm hạnh phúc vô bờ ấy đã để dấu ấn lại, lấn át được sự u uất của đau đớn, bệnh tật.
PGS. Khoa bảo, ông không biết đã cứu sống bao nhiêu người. Nhưng có một bác sỹ đã nói với tôi: "qua tay ông Khoa ấy, ít nhất cỡ hơn 1000 mùa xuân đã được kéo dài"!…
Cầm Văn Kình

Thứ năm, 21 Tháng mười hai 2006

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét